Theo Reuters, cho đến sáng qua, các nhà ngoại giao cấp cao của nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) đã tụ họp đầy đủ ở Geneva (Thụy Sĩ) sau khi các quan chức cho biết một vấn đề gai góc của cuộc đàm phán có thể giải quyết được.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua phát biểu rằng nước này sẽ không cúi đầu trước “những yêu cầu quá đáng” trong đàm phán về hạt nhân với các cường quốc. Ông cũng cho biết đàm phán đã bước vào giai đoạn khó khăn.
Quà Giáng sinh cho Iran?
Theo thỏa thuận tạm thời, như Reuters cho hay, Iran sẽ phải chấp nhận giảm độ tinh khiết của uranium làm giàu còn 20%, chịu giám sát nhiều hơn và chấp nhận đóng cửa lò phản ứng Arak để đổi lại việc phương Tây rút lại trừng phạt kinh tế. Sau thỏa thuận này, các bên sẽ có sáu tháng để đi đến một thỏa thuận dài hạn vững chắc hơn. |
Cuộc đàm phán đang bước vào “thời khắc cuối cùng”, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle tỏ ra thận trọng khi nói rằng mọi chuyện vẫn chưa xong. “Đây là một cơ hội thật sự nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm” - ông Westerwelle nói.
Còn Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngay khi đến Geneva đã tuyên bố: “Tôi muốn một thỏa thuận chắc chắn và tôi có mặt ở đây để đạt được kết quả đó”. Thứ trưởng ngoại giao Iran Abbar Araqchi, người tham gia đàm phán lần này, trước đó cho biết đàm phán đã hoàn tất 90% nhưng vẫn còn “một hay hai vấn đề” cần giải quyết.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết những khó khăn này cũng giống như trong vòng đàm phán hồi đầu tháng. “Khoảng cách rất hẹp nhưng đó là những khoảng cách quan trọng” - ông Hague phát biểu. Trong ba ngày trước đó, các bên đều kiệm lời khi thông báo về những tiến triển, chỉ cho biết đàm phán đang diễn ra rất khẩn trương.
Trong khi đó, từ Matxcơva (Nga), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mỉa mai Iran sẽ được tặng “một món quà Giáng sinh đáng kinh ngạc” khi đạt được thỏa thuận mà không phải nhượng bộ gì. Trong khi đó, các nghị sĩ Mỹ vẫn đang chờ cơ hội siết chặt cấm vận Tehran nếu thỏa thuận thất bại.
Thỏa hiệp về ngôn từ
Reuters cho biết hi vọng về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân lớn hơn sau khi các nhà ngoại giao cho hay những nhượng bộ về mặt ngôn từ đối với vấn đề “quyền” làm giàu uranium của Iran đã được đưa ra. Theo đó, các bên không nêu đích danh Tehran nhưng sẽ chấp nhận rằng tất cả các quốc gia đều có quyền với năng lượng hạt nhân dân sự của chính mình. Điều này dựa trên việc Iran đã tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, vốn cho phép các nước phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, cách nói này giống như một cách chơi chữ và không đồng nghĩa với việc thừa nhận quyền sản xuất nhiên liệu hạt nhân của bất cứ nước nào, các nhà ngoại giao giải thích. Trước nay, Mỹ và phương Tây luôn phủ nhận quyền này vì lo ngại Iran sản xuất vũ khí, trong khi Tehran khăng khăng đây là vấn đề có ý nghĩa với chủ quyền quốc gia.
Ngoài ra, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết việc Iran muốn tiếp tục xây dựng lò phản ứng nước nặng Arak có thể tạo ra plutonium ở cấp độ sản xuất bom cũng là một trở ngại chính, khiến vòng đàm phán hôm 10-11 thất bại. Dù Iran trấn an rằng họ không có ý định sử dụng lò phản ứng này trong năm sau, nhưng phương Tây lo ngại nếu để Tehran tiếp tục xây dựng Arak suốt thời gian thỏa thuận tạm thời sẽ khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, ông Araqchi cho rằng trở ngại lớn để thu hẹp các khác biệt giữa hai bên là việc tái xây dựng niềm tin và xóa bỏ hiểu lầm trong các lần đàm phán trước.
Theo T. Phương (TTO)