Trao quyền đăng cai
Chủ tịch FIFA Joseph Blatter trao quả bóng biểu tượng của World Cup 2014 cho Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sân vận động Maracana, Rio de Janeiro, Brazil, ngày 14/7/2014. |
Russia Today đưa tin, hôm Chủ nhật (13/7), tại Rio de Janeiro, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã bàn giao biểu tượng World Cup cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Nga sẽ là quốc gia đăng cai tổ chức giải đấu bóng đá thế giới vào năm 2018. Cuộc chuyển giao này diễn ra trong sự chứng kiến của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trên sân vận động Maracana.
"Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Rousseff đã tổ chức thành công World Cup”, ông Putin nói, "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tổ chức sự kiện ở mức tốt nhất có thể".
"Bóng đá giúp giải quyết các vấn đề xã hội. Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra các điều kiện tốt nhất có thể cho các huấn luyện viên, cầu thủ, các chuyên gia và người hâm mộ. Tôi biết ơn Chủ tịch Blatter và các đồng nghiệp của mình từ FIFA đã tạo điều kiện (cho Nga) được vinh dự tổ chức World Cup”, ông nói thêm.
Tốn kém cho World Cup 2018
Từ trái qua phải: Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ chuyển giao quyền đăng cai World Cup 2018. |
Bình luận về chi phí mà Nga sẽ phải bỏ ra để tổ chức World Cup 2018, tờ Japan Today viết: “Sau khi đã chi đến hơn 50 tỷ USD cho Thế vận hội mùa đông Sochi năm nay, ông Putin sẽ phải đối mặt với việc phải bỏ ra nhiều tỷ USD nữa để thực hiện khoản chi (cho World Cup)”.
Japan Today còn cho rằng World Cup 2018 là dự án tham vọng nhất của Nga kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, tuy nhiên Tổng thống Putin tỏ ra rất tự tin khi nhận được quyền đăng cai này. "Chúng tôi đã tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông tại Sochi... và bây giờ (chúng tôi) biết chính xác những gì được cho là thách thức khi tổ chức một sự kiện tầm cỡ như vậy", ông Putin nói.
Russia Today trích dẫn báo cáo từ điện Kremlin cho biết, Nga ước tính World Cup 2018 sẽ tiêu tốn của nước này khoảng 19,5 tỷ USD. Phần lớn số tiền này dùng để xây dựng 12 sân vận động và các cơ sở hạ tầng liên quan khác tại 11 thành phố lớn của đất nước.
Những thành phố sẽ là chủ nhà bao gồm: Kaliningrad, Kazan, Moscow, Nizhny Novgorod, Rostov-on-Don, Saint Petersburg, Samara, Saransk, Sochi, Volgograd, và Yekaterinburg.
Một nửa số ngân sách được trích từ ngân sách liên bang. Số còn lại sẽ được kêu gọi từ các khoản đầu tư.
Các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong công tác chuẩn bị bao gồm việc hiện đại hóa mạng lưới đường bộ và đường cao tốc thành phố, cũng như việc xây dựng các sân vận động.
Nga cũng đã bỏ chế độ thị thực cho khách nước ngoài tới tham dự World Cup 2018, ông Putin tuyên bố quyết định này trước chuyến công du châu Mỹ Latinh của mình.
World Cup là một thách thức lớn đối với Nga trong công cuộc cải tổ triệt để các cơ sở hạ tầng thể thao, du lịch và giao thông của một số khu vực hiện đã quá yếu kém.
Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke, trong một phát biểu hồi tháng Năm, nói rằng nước Nga, nơi mà mùa đông khắc nghiệt có thể làm cho thời hạn trở nên chặt chẽ hơn, phải lường trước vấn đề này. "Nước Nga sẽ không hề dễ dàng", ông cảnh báo.
Japan Today nhận định, đây không chỉ là một cuộc đại tu về cơ sở hạ tầng mà còn cả văn hóa bóng đá Nga và đội tuyển quốc gia. Quốc gia này còn nặng phân biệt chủng tộc và có nhiều “côn đồ trong sân vận động”. Các câu lạc bộ bóng đá và đội tuyển quốc gia sẽ phải cải thiện trước năm 2018.
Huấn luyện viên trưởng Fabio Capello đã đưa Nga đến với vòng chung kết World Cup đầu tiên của họ kể từ năm 2002, nhưng ông đã không thể thành công trong việc dẫn dắt đội tuyển chiến thắng ở vòng bảng và phải về nước ngay vòng đầu tiên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Russia Today và Japan Today.
Theo Minh Anh /Infonet