Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới nhất đã phân lại hạng giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, số hạng GPLX giảm xuống 14 hạng (gồm A1, A, B1, B2, B, C, D1, D2, D, BE, CE, D1E, D2E và DE), thay vì 17 hạng như dự thảo trước đó.
Tiếp thu ý kiến để chỉnh lý dự luật
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết so với dự thảo trước, ban soạn thảo ghép hạng A0 vào hạng A1.
Có nghĩa hạng A1 ngoài cấp cho người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh đến 125 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện đến 11 kW, còn được cấp cho người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện 4 kW.
Tuy nhiên, GPLX hạng A1 quy định người 16-18 tuổi chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện 4 kW. Sau độ tuổi trên, người lái mới được phép điều khiển các phương tiện còn lại trong hạng A1. “Tức là người có nhu cầu cấp GPLX xe hạng A1 chỉ học, sát hạch để được cấp GPLX và phát sinh chi phí một lần thay vì hai lần như dự thảo trước đây” - ông Thống cho hay.
So với dự thảo trước đây, dự luật cũng bỏ hạng C1 và C1E. Việc bỏ hai hạng này không ảnh hưởng đến người sử dụng GPLX tại Việt Nam mà chỉ tác động đến người có GPLX hạng C1 và C1E ở nước ngoài khi sử dụng GPLX tại Việt Nam.
“Dự thảo trước đây cơ quan soạn thảo muốn phân ra hạng C1 và C1E nhằm nội luật hóa các quy định về phân hạng GPLX tại Công ước Vienna, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia…, dự luật điều chỉnh như trên…” - ông Thống lý giải.
Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành, dự luật này chỉ tăng thêm một hạng GPLX, đó là hạng D2.
Dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) mới nhất đã phân lại hạng GPLX giảm xuống 14 hạng thay vì 17 hạng như dự thảo trước đó. Đồ họa: HỒ TRANG
Chỉ thay đổi tên gọi, không tăng chi phí
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự luật sẽ bổ sung quy định chuyển tiếp để làm rõ kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, GPLX cấp theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp mới. Tức không ảnh hưởng đến những giấy phép đã cấp.
Cụ thể, GPLX đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến khi hết hạn (các hạng A1, A2, A3 không thời hạn). Trường hợp giấy phép hết thời hạn sử dụng, bị hỏng hoặc mất, cơ quan chức năng sẽ tiến hành làm các thủ tục chuyển đổi sang hạng tương đương, chỉ khác nhau tên gọi.
Trước đó, trong dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi phân ra 17 hạng bằng lái. Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải phân ra quá nhiều hạng GPLX gây rối và tốn kém kinh phí. Sau đó, ban soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý cho phù hợp như nêu trên. |
Chẳng hạn, lái xe có bằng lái xe hạng A3 sẽ được cấp mới bằng lái hạng B1, hạng B1 lái ô tô số tự động sẽ được cấp mới hạng B2, hạng B2 cũ được cấp đổi sang hạng B, hạng D cũ được cấp đổi sang hạng mới là D2, hạng E cũ được cấp sang hạng D…
Riêng hạng A mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có bằng lái hạng A1 cũ để điều khiển xe máy có dung tích xi lanh trên 125 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện trên 11 kW. Tuy nhiên, tại mặt sau của bằng lái ghi điều kiện hạn chế đối với người đổi từ GPLX hạng A1 cũ chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xi lanh đến 175 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện đến 14 kW…
Ông Thống khẳng định việc thay đổi một số tên gọi trên nhằm thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi tham gia Công ước Vienna. “Những thay đổi này cũng không làm phát sinh thủ tục, chi phí nào đối với người dân…” - ông Thống nhấn mạnh.
Không nên quy định người 16-18 tuổi phải có bằng A1 Nói về quy định cấp GPLX hạng A1 cho người 16-18 tuổi (chỉ được điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện 4 kW), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh nêu quan điểm không đồng tình và cho rằng chỉ làm phức tạp thêm. “Một người thi sát hạch và đạt để lấy bằng A1 đương nhiên họ được phép điều khiển xe từ 50 cm3 trở lên” - ông Thanh nói. Theo ông Thanh, để nâng cao ý thức về an toàn giao thông cho học sinh cần tuyên truyền kiến thức về luật an toàn giao thông trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ GD&ĐT cần ngồi lại và có thể đưa ra một chương trình để lồng ghép kiến thức an toàn giao thông vào các môn học trong trường. “Thay vì chỉ học lý thuyết, các thầy cô nên cho học sinh thực hành để bài học không bị nhàm chán, tăng tính hiệu quả” - ông Thanh nói. CÙ HIỀN |