Gian nan tìm đường ra vào khu Nam TP.HCM

Người dân sống tại khu vực quận 7, Nhà Bè nhiều lần phản ánh hai tuyến đường độc đạo từ phía Nam vào trung tâm TP nhanh nhất hiện nay là cầu Kênh Tẻ và đường Nguyễn Tất Thành thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải. Thực trạng đó kéo dài đã nhiều năm nay khiến người dân hằng ngày phải “chơi trò vượt chướng ngại vật” khi cho xe nhích từng chút để qua hai tuyến đường này, đặc biệt là vào các giờ cao điểm.

Đường nào cũng kẹt

Để vào được trung tâm TP, người dân quận 7, huyện Nhà Bè phải di chuyển qua hai trục chính là Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ - đường Khánh Hội và trục Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, người dân khu vực này cũng có thể lựa chọn đường Phạm Hùng kết nối với quận 5.

Song trên thực tế các hướng đi nói trên đều bế tắc cả đường ra lẫn đường vào bởi tuyến nào cũng kẹt xe nghiêm trọng trong giờ cao điểm.

Theo ghi nhận thực tế của PV, trong các giờ cao điểm khoảng từ 6 giờ đến 9 giờ và khoảng 17 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, hướng từ quận 4 sang quận 7, hàng loạt xe máy, ô tô xếp hàng dài trên đường Khánh Hội để rồi sau đó nhích từng chút một để lên cầu Kênh Tẻ. Phía đường Hoàng Diệu là một hàng dài ô tô, xe máy khác đang chờ đến lượt để vào đường Khánh Hội. Ở hướng ngược lại, phía đầu cầu quận 7 cũng có hàng xe kéo dài đến giao lộ Nguyễn Thị Thập - Nguyễn Hữu Thọ đang chờ lên cầu.

Anh Tuấn Lưu (người dân quận 1) cho hay anh làm ở quận 7 nên hằng ngày phải đi về trên tuyến đường này. “8 giờ tôi mới làm việc mà phải đi vào lúc 6 giờ 30, trong khi quãng đường chỉ khoảng 5 km. Mỗi sáng tôi đều định sẵn là sẽ kẹt xe nên thường đi sớm nhưng cũng có thể ai cũng có suy nghĩ giống tôi nên mới 6 giờ 30 đường đã kẹt cứng như thế này đây” - anh Tuấn Lưu ngao ngán nói.

Một bảo vệ điều tiết công trình khu vực này cho hay: “Chúng tôi phải điều tiết 24/24 giờ ở đây, nếu không các ô tô chen chân nhau thì cầu Kênh Tẻ coi như thất thủ. Tôi nghe đâu dự kiến tháng 7 sẽ nâng cấp xong cây cầu này, còn có hết kẹt xe nữa hay không thì tôi cũng không dám chắc”.

Tình trạng kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ thường xuyên diễn ra. Ảnh: Đ.TRANG

Dân không biết đi đường nào

Ở hướng Nhà Bè vào trung tâm TP, người dân sẽ theo trục đường Huỳnh Tấn Phát - cầu Tân Thuận - Nguyễn Tất Thành. Trục đường chỉ dài 2,5 km nhưng người dân cho biết nhiều khi họ phải mất cả tiếng đồng hồ mới vượt qua được.

Theo ghi nhận của PV, tuyến đường này tuy nhỏ nhưng có nhiều xe buýt, xe tải cỡ lớn lưu thông vào giờ cao điểm nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra.

Vừa thoát ra được khu vực kẹt xe, anh Nguyễn Ngọc Anh (ngụ Huỳnh Tấn Phát, quận 7) chia sẻ: “Tôi chuyển về quận 7 cách đây sáu năm, lúc đó  đường khá vắng vẻ và gần như chúng tôi không dám đi lại về đêm. Về sau, hàng loạt dự án bất động sản ở khu vực quận 7 mọc lên, đường sá dần đông đúc và tình trạng kẹt xe bắt đầu xảy ra. Nhưng ít ai biết rằng đến nay con đường lại trở thành nỗi ám ảnh của người dân khi di chuyển vào trung tâm TP và ngược lại”.

Theo anh Ngọc Anh, đáng lẽ người dân thường chỉ mất 10 phút để vào trung tâm TP thì đến nay mất ít nhất nửa tiếng, thậm chí cả giờ đồng hồ để đi qua đoạn đường ngắn. “Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải đi làm sớm hơn và về muộn hơn để tránh những cơn ác mộng kẹt xe” - anh Ngọc Anh bức xúc nói.

Tương tự, chị Đào Thị Trà (ngụ huyện Nhà Bè) chia sẻ: “Để đi vào TP thì người dân quận 7, Nhà Bè đành phải đi vào Nguyễn Hữu Thọ hoặc Nguyễn Tất Thành cho nhanh nhưng có lẽ đây lại là hai con đường mất nhiều thời gian nhất. Vượt qua điểm kẹt Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh đã bở hơi tai thì tiếp tục chịu nỗi khổ qua cầu Kênh Tẻ. Cầu nhỏ và hẹp quá, chỉ cần vài chiếc xe buýt, ô tô đi lên là cầu bị choán gần hết. Xe máy như chúng tôi cũng đành len lỏi để nhích từng chút một mới thoát qua đoạn lô cốt trên cầu. Thực sự tôi không biết đi đường nào nữa”.

Cao ốc mọc nhanh như nấm

Theo ghi nhận của PV, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kẹt xe cục bộ là do cầu Kênh Tẻ đang được thi công mở rộng làn xe qua cầu chính, mỗi bên thêm 1 m để mặt cầu rộng 16,5 m. Đồng thời mở rộng phần cầu dẫn thêm mỗi bên 0,3 m để mặt cầu dẫn rộng 15,1 m. Do đó mặt cầu tạo thành một nút thắt cổ chai khiến hàng ngàn xe phải chờ nhau chui qua nút thắt này mới qua được cầu Kênh Tẻ.

Cạnh đó, dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, gần cầu Kênh Tẻ hướng quận 7 đang tập trung dày đặc các tòa cao ốc, trung tâm thương mại, chung cư với hàng trăm ngàn căn hộ như  The Park Residence, Park Vista, Lavila, Dragon City… Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, lực lượng lao động tập trung về ở, làm việc là áp lực không hề nhỏ cho khu Nam TP.HCM.

Trong khi đó, theo quy hoạch của UBND TP.HCM (trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 1/5.000) thì quận 7 đến năm 2020 chỉ có sức chứa tối đa 424.000 người. Như vậy, thực tế các dự án hàng ngàn căn hộ tại đây đang gây sức ép lớn lên hạ tầng kỹ thuật, giao thông...

Mặt khác, từ nhiều năm nay, khu Nam TP.HCM đang rất ít cây cầu kết nối vào trung tâm. Từ đầu thế kỷ 20, chỉ có cầu Tân Thuận làm nhiệm vụ kết nối trung tâm TP với khu Nam (quận 1, quận 4 với quận 7, Nhà Bè). Gần 100 năm sau mới có thêm cây cầu thứ hai là cầu Kênh Tẻ để chia bớt áp lực cho cầu Tân Thuận. Năm 2005 cầu Tân Thuận 2 được đưa vào sử dụng, năm 2009 có thêm cầu Nguyễn Văn Cừ ở đoạn cuối kênh Tẻ. Tuy nhiên, các cây cầu này đều nhanh chóng rơi vào trạng thái quá tải.

Trên thực tế dòng người đổ về sinh sống và làm việc phía Nam TP.HCM đang ở trạng thái tăng nhanh dần đều. Vì vậy, rất nhiều người dân ở đây mong mỏi có thêm các cây cầu kết nối phía Nam với trung tâm TP để xóa bỏ nỗi ám ảnh tắc tỵ đường ra vào khu vực này.

Cuối năm 2016, UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư xây cầu Nguyễn Khoái. Theo đó, công trình có tổng chiều dài khoảng 1.000 m, phần cầu dài 346 m, rộng 22,5 m với tổng kinh phí khoảng 1.250 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án cầu Nguyễn Khoái vẫn chưa được triển khai.

Dự án cầu Kênh Tẻ 2 đã có trong quy hoạch giao thông TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 và có điều chỉnh năm 2013. Dự án đã xác định là phải làm để phát triển trục giao thông Bắc-Nam. Dự án này bắt đầu từ đường Hoàng Diệu nơi chân cầu Ông Lãnh đến vòng xoay Tôn Đản và Vĩnh Hội (quận 4), sau đó cầu sẽ vượt đường Tôn Thất Thuyết băng qua Kênh Tẻ rồi nối vào đường Lê Văn Lương (quận 7). Tuy nhiên, đến nay cầu này vẫn chưa được triển khai.

Năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường trục Bắc-Nam theo hình thức đối tác công tư - PPP như đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. Việc xây dựng trục này sẽ góp phần “giải cứu” cảnh ùn tắc giao thông khi mà mật độ dân cư khu vực phía Nam TP hiện tăng gấp hàng chục lần so với 10 năm trước. 

_______________

Kỳ tới: Hướng gỡ nào để  khu Nam hết kẹt?

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm