Sawaco đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch

Theo đó, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo như sau: Về phương án giá nước sạch sinh hoạt lộ trình 2019-2022, giao Sở Tư pháp thẩm định trình Thường trực UBND TP trước ngày 30-8. Về kiến nghị chủ trương điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP, giao cho Sở Xây dựng chủ trì, kết hợp với Sở QH-KT, Sở Tư pháp, Sawaco và các đơn vị liên quan rà soát về pháp lý, tham mưu trình UBND TP.

Theo Sawaco, giá nước từ năm 2013 đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Từ năm 2015, tình hình tài chính của tổng công ty bị ảnh hưởng vì thực hiện các nghị quyết của HĐND TP, duy trì 100% tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tổng công ty phải mua sỉ nước sạch của các nhà máy nước xã hội hóa, chi phí mua nước đều tăng qua các năm. Năm 2016-2018, chi phí mua sỉ nước sạch tăng bình quân 252 tỉ đồng/năm.

Trước những áp lực trên, Sawaco kiến nghị UBND TP chấp thuận nguyên tắc điều chỉnh giá mua bán sỉ nước sạch gắn với việc điều chỉnh giá bán lẻ nước sạch cho người dân. Khi giá bán lẻ được điều chỉnh thì hai bên sẽ thương thảo mua bán sỉ nước sạch. Đồng thời, kiến nghị TP chấp thuận cho tổng công ty đàm phán lại sản lượng và đơn giá mua sỉ nước sạch với các nhà máy xã hội hóa theo khả năng tiêu thụ. Phát huy khả năng của các nhà máy của Sawaco nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước.

Ngoài ra, phương án lộ trình giá nước mới 2019-2022 đến nay chưa được duyệt, dẫn đến vốn đầu tư cho các công trình phát triển mạng lưới 1, 2, 3, công trình đảm bảo an toàn cấp nước và hiện đại hóa ngành nước gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, Sawaco kiến nghị Sở Tài chính sớm trình UBND TP ban hành quyết định điều chỉnh giá nước sinh hoạt. Đồng thời, chấp thuận duyệt cấp bổ sung nguồn vốn ngân sách TP cho tổng công ty để sớm đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp 1 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, UBND TP, Sở TN&MT tiếp tục khuyến khích người dân hạn chế khai thác nước ngầm để đảm bảo sức khỏe, vừa tăng sản lượng tiêu thụ nước sạch giúp bù đắp chi phí đầu tư...

Bên cạnh đó, Sawaco còn gặp khó khăn trong việc chênh lệch thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hoạt động kinh doanh nước sạch. Cụ thể, thuế suất thuế GTGT hàng hóa dịch vụ mua vào chủ yếu 10%, trong khi thuế suất thuế GTGT của mặt hàng nước sạch được bán ra chủ yếu 5%. Điều này dẫn đến việc tổng công ty đang phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ rất lớn (từ tháng 6-2019 là 145 tỉ đồng). Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, số thuế GTGT đầu vào này chỉ trừ tiếp mà không hoàn lại cho doanh nghiệp. Như vậy, việc chênh lệch thuế suất thuế GTGT 10% và bán ra của mặt hàng nước sạch 5% dẫn đến áp lực rất lớn về dòng tiền của tổng công ty.

Trước kiến nghị của Sawaco về chênh lệch thuế suất, Văn phòng UBND TP có văn bản yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Thuế TP, Phòng Dự án và Sawaco rà soát cơ sở pháp lý báo cáo, đề xuất UBND TP trong thời gian 10 ngày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm