Ngày 28-2, Liên minh châu Âu đã nhất trí cấm vận vũ khí đối với Libya, đồng thời phong tỏa tài sản và ngừng cấp thị thực đối với Tổng thống Gaddafi và 25 người trong gia đình ông. Ngoại trưởng Úc Kevin Rudd cho biết Úc đang điều tra khả năng gia đình ông Gaddafi có tài sản ở Úc. Anh đã phong tỏa tài sản của ông Gaddafi và năm người con.
Trong ngày 28-2, Viện trưởng Viện Công tố Tòa án Hình sự Quốc tế Luis Moreno-Ocampo thông báo đã bắt đầu đánh giá tình hình bạo lực ở Libya để làm tiền đề điều tra về tội ác chống nhân loại ở Libya.
Hôm 27-2, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố yêu cầu Tổng thống Gaddafi từ chức và rời khỏi Libya. Bà khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ cho các lực lượng đối lập với ông Gaddafi dưới mọi hình thức để chấm dứt chế độ và tránh biển máu.
Ngoại trưởng Ý Maurizio Massari thông báo Ý đã ngưng thi hành nghị quyết hòa bình với Libya được hai bên ký kết năm 2008, trong đó có điều khoản không xâm lược lãnh thổ của nhau.
Tàu Thổ Nhĩ Kỳ đưa người di tản rời khỏi Libya. Ảnh: REUTERS
Ý ủng hộ thiết lập vùng cấm bay trên Libya để tránh không quân Libya ném bom vào lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố Venezuela phản đối Hội đồng Bảo an LHQ can thiệp quân sự vào Libya.
Ngày 27-2, lần thứ ba Tổng thống Gaddafi lên tiếng. Trong tuyên bố qua điện thoại độc quyền dành cho đài truyền hình Pink TV của Serbia, ông khẳng định Libya vẫn hoàn toàn bình yên và một nhóm đối lập hiện đang bị bao vây. Ông khẳng định nghị quyết trừng phạt Libya của Hội đồng Bảo an LHQ không có giá trị.
Ngày 28-2, quân đội chính phủ chỉ còn kiểm soát được thủ đô Tripoli. Khoảng 2.000 binh sĩ đang bao vây tái chiếm TP Zawiyah. Trong khi đó, Liên minh châu Âu tuyên bố đang tiếp xúc với chính quyền lâm thời (được gọi là Hội đồng quốc gia độc lập) do lực lượng nổi dậy thiết lập ở Libya.
Tình hình di tản ồ ạt khỏi Libya vẫn tiếp tục, đặc biệt tại biên giới Libya-Tunisia. Đêm 27-2 vẫn còn khoảng 10.000 công dân nước ngoài chờ rời Libya. Thủ tướng Lawrence Gonzi của Malta đã kêu gọi châu Âu giúp đỡ trước làn sóng di tản sang Malta quá đông. Hội Chữ thập đỏ Tunisia cũng kêu gọi giúp đỡ vì tình hình khủng hoảng nhân đạo ở Tunisia.
Hãng tin APS (Algeria) ngày 27-2 cho biết hàng trăm công dân Việt Nam và Philippines đã tự tìm cách bỏ chạy khỏi Libya bằng đường bộ sang Algeria. Cùng ngày, tàu Toscana chở 1.800 lao động nước ngoài ở Libya đã đến đảo quốc Malta. Trong đó đa số là người châu Á mang các quốc tịch Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Pakistan... Đại sứ Malta và đại sứ Bồ Đào Nha đã rời Tripoli bằng đường biển.
Ai Cập cấm ông Mubarak xuất cảnh Ngày 28-2, cơ quan công tố Ai Cập đã ra lệnh cấm xuất cảnh đối với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và gia đình, đồng thời phát lệnh niêm phong toàn bộ tài sản của ông Mubarak. Ngày 21-2, tất cả tài sản nước ngoài của ông Mubarak và gia đình đều bị phong tỏa. Dự kiến ngày 5-3, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly dưới thời Tổng thống Mubarak sẽ ra tòa về tội rửa tiền. KHÁNH UYÊN (Theo AFP, Haaretz) |
ĐĂNG KHOA - HOÀNG DUY (Theo AFP, ABC, AP, Reuters)