Cô trò tiểu học chật vật với học online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau một thời gian làm quen với nhau, ngày 20-9, học sinh (HS) bậc tiểu học chính thức bước vào chương trình chính khóa trên môi trường Internet.

Trò chỉ nghe một chiều

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12 nằm trong khu vực đông dân nhập cư nên luôn trong tình trạng quá tải HS. Vì thế, việc thực hiện dạy học online không phải dễ dàng.

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong một giờ học online. 
Ảnh: PHCC

Chị Đàm Thị Liên, phụ huynh có con học lớp 4 tại trường, cho biết những ngày qua, con chị đã có những buổi vừa học vừa làm quen. Đến nay, bé đã tập trung ghi chú bài giảng và quen dần với phần mềm học tập.

Chị Liên cho hay sau khi học xong, con chị sẽ có bài tập về nhà qua Zalo. Sau khi con làm xong, phụ huynh vào link, chọn tên con mình, chụp bài làm của con và nộp online. Cô giáo chấm điểm và trả kết quả trên link.

Tuy nhiên, theo chị Liên, lớp có đến 54 HS nên việc học online rất khó. Khi dạy, cô trò rất khó tương tác và không hiệu quả, HS cũng không tập trung. Vì thế, đa phần HS chỉ ngồi nghe cô giáo giảng bài.

Để dạy học online hiệu quả, chị Liên cho rằng mỗi lớp không quá 25 HS/lớp, giáo viên (GV) sẽ dễ dàng theo dõi và nắm bắt việc học của từng HS. Tuy nhiên, vấn đề này không thể trong tình hình hiện nay.

“Nhà nào có ba mẹ ở bên và thiết bị đầy đủ thì ổn, còn những bé vì dịch phải ở với ông bà thì học online khổ lắm. Riêng chuyện chụp bài gửi cô, click vào link, hướng dẫn cháu làm bài không dễ dàng” - chị Liên bày tỏ.

Năm nay, chị Tú Quyên cũng có con vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở quận 12. Sau một tuần làm quen, con chị đã quen với nền nếp, nội quy và biết sử dụng các phần mềm khi học.

“Tuy nhiên, lớp có đến 52 bé. Các bé còn quá nhỏ, chưa ý thức được việc học. Lớp quá đông nên nhiều lúc rất ồn, cô giáo khó có thể kiểm soát. Vì thế, muốn giờ học diễn ra nghiêm túc thì phụ huynh phải kèm cặp con mình nhưng đâu phải gia đình nào cũng có thể hỗ trợ. May mà con tôi đã biết chữ, nếu không thì học với tình hình này rất căng” - chị Quyên nói.

“Lớp học đông sẽ là trở ngại rất lớn trong việc dạy trực tuyến, đặc biệt đối với HS lớp 1” - cô Trang, GV lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, cho biết.

“Lớp tôi chủ nhiệm gồm 46 em. Các em còn quá nhỏ, còn nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là với việc học trực tuyến. Tôi rất lo lắng, không biết làm sao để truyền tải kiến thức cho các em trong điều kiện hiện nay. Cuối cùng, tôi đã chia lớp thành các tổ để hướng dẫn các em trong thời gian đầu” - cô Trang nói thêm.

Chia tổ, hỗ trợ thêm sau giờ học

Để giờ học diễn ra hiệu quả, GV và các trường cũng đang tìm mọi cách để HS tiếp cận kiến thức một cách tốt nhất.

Với mong muốn có thêm thời gian tương tác với HS, cô Trang đã chia lớp thành bốn nhóm và làm quen với các khung giờ nhất định.

“Thực hiện được hai hôm, tôi thấy rất mệt và tốn rất nhiều thời gian trong khi tôi còn phải chuẩn bị những bài giảng khác. Vì thế, tôi quyết định làm quen luôn với lớp và nhờ phụ huynh phối hợp thêm. Tuần vừa rồi, thấy các em tương tác khá ổn, phụ huynh phản hồi tốt. Tuy nhiên, khi vào chương trình chính thức, kiến thức sẽ nặng hơn không biết các em sẽ học ra sao. Tôi sẽ căn cứ vào thực tế để có sự điều chỉnh. Sau mỗi giờ học, tôi sẽ gọi điện thoại cho phụ huynh và giao bài lên group để phụ huynh hướng dẫn thêm cho con” - cô Trang nói.

Việc chia tổ để thuận tiện khi làm quen với HS trong những ngày đầu năm học mới cũng được GV Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp thực hiện.

Bà Ngô Thị Thúy Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết qua quá trình dự giờ lớp 1, có một GV đã thực hiện chia lớp thành nhiều tổ. Cô chia nhỏ các tổ để trong thời gian làm quen cô sẽ tương tác nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được trong thời gian đầu, còn khi vào học chính thức rất khó. Để giúp các em nắm kiến thức, sau các giờ học trực tuyến, GV sẽ gửi bài qua Zalo, phụ huynh cho con làm sau đó gửi để GV nhận xét.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy, GV lớp 1 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, cho rằng để HS lớp 1 tiếp thu tốt đòi hỏi sự đầu tư rất lớn từ GV.

“Tôi phải chuẩn bị rất nhiều clip, từ clip giới thiệu trường học, clip hướng dẫn phụ huynh cách học trực tuyến, clip về tư thế, cách cầm bút, nền nếp học tập để gửi cho phụ huynh. Bên cạnh đó, tôi thường gửi kế hoạch tuần các bài học cho phụ huynh nắm. Bài giảng cũng được tôi gửi trước một ngày để phụ huynh hướng dẫn cho con. Có như vậy giờ học mới hiệu quả, dù có đông HS. Sau mỗi bài dạy, các em đều có bài tập để củng cố kiến thức và GV luôn dành thời gian liên hệ với phụ huynh để nắm tình hình” - cô Thúy nói thêm.•

Hầu như lớp nào của trường cũng có sĩ số hơn 50 HS. Đây là khó khăn khi triển khai học trực tuyến.

Đông HS, việc dạy trực tiếp còn khó huống gì online nhưng cũng phải chấp nhận thôi. Tôi nghĩ đây chỉ là giải pháp tình thế, duy trì việc học và tâm thế cho HS là chính. Cô trò học đến đâu hay đến đó, rồi chờ khi nào được trở lại trường sẽ bổ túc kiến thức cho HS sau.

Đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định, quận 12

 

Học sinh tiểu học học online chỉ 20-25 phút/tiết

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM, dạy online mỗi tiết học chỉ khoảng 20-25 phút, mỗi buổi học không quá bốn tiết học. Giữa mỗi tiết học có thời gian nghỉ 5-7 phút cho HS thực hiện các hoạt động vận động, thư giãn. Thời khóa biểu chú trọng các môn tiếng Việt, toán.

Đối với lớp 1 và 2, khai thác các nội dung dạy học trên truyền hình, video clip đã ghi hình. Không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi HS đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ. Đối với các lớp 3, 4, 5, tổ chức dạy học online là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video clip đã ghi hình là bổ trợ, ưu tiên cho các lớp cuối cấp. Chú trọng phân bố thời gian dạy học online cho các hoạt động trọng tâm như giới thiệu kiến thức mới, giải đáp các thắc mắc, câu hỏi, tổ chức các hoạt động tương tác với HS. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm