Hoàng Khương: Bị cáo có lỗi can thiệp quá sâu

Trong ngày đầu xử vụ bị cáo Hoàng Khương (tên thật là Nguyễn Văn Khương, nguyên PV báo Tuổi Trẻ) bị truy tố về tội đưa hối lộ, từ sáng sớm đã có khá đông người đến TAND TP.HCM theo dõi phiên tòa. Ngoài Hoàng Khương còn có năm bị cáo là Huỳnh Minh Đức bị truy tố về tội nhận hối lộ; Trần Minh Hòa, Trần Anh Tuấn, Nguyễn Đức Đông Anh bị truy tố về tội đưa hối lộ; Tôn Thất Hòa bị truy tố về tội làm môi giới hối lộ.

Năm bị cáo nhận tội

Theo cáo trạng, khuya 23-6-2011, tại quận Bình Thạnh xảy ra một vụ tai nạn giữa xe ô tô tải đầu kéo của Tuấn và xe du lịch. Bị cáo Đức (nguyên cán bộ Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh) được phân công giải quyết. Biết Tôn Thất Hòa là chủ doanh nghiệp vận tải, quen biết nhiều CSGT nên Tuấn nhờ Hòa móc nối và đưa cho Đức 3 triệu đồng để lấy xe.

Cùng thời điểm, nắm được “quan hệ” giữa Tôn Thất Hòa với Đức, Hoàng Khương đã nhận lời “giải cứu” chiếc xe đua của Trần Minh Hòa thông qua Đông Anh (em vợ Hoàng Khương, bạn của Minh Hòa). Minh Hòa đã đưa cho Anh 15 triệu đồng để Anh đưa cho Hoàng Khương. Hoàng Khương đã thông qua Tôn Thất Hòa đưa cho Đức 15 triệu đồng… Cáo trạng cho rằng việc làm của Hoàng Khương xuất phát từ lợi ích cá nhân, nhận thức lệch lạc, lợi dụng nhiệm vụ nhà báo, vượt quá mục đích tác nghiệp báo chí.

Sau phần thủ tục, phần thẩm vấn tại phiên xử đã diễn ra khá kỹ. Tòa liên tục cho các bị cáo đối chất khi có lời khai mâu thuẫn.

Trước tòa, Đức thừa nhận cáo trạng quy kết bị cáo nhận hối lộ 18 triệu đồng trong hai vụ “giải cứu” xe đầu kéo và xe đua là chính xác. Theo bị cáo, những việc làm của mình là sai quy định của ngành, là sai lầm lớn...

Các bị cáo Tuấn, Anh, Trần Minh Hòa cũng thừa nhận hành vi phạm tội.

Hoàng Khương: Bị cáo có lỗi can thiệp quá sâu ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh TÙNG THƯƠNG

Hoàng Khương: Bị cáo có lỗi can thiệp quá sâu ảnh 2

So với thời điểm bị bắt, bị cáo Hoàng Khương đã gầy hơn nhiều. Ảnh: TÙNG THƯƠNG

Tuấn khai từ động cơ muốn lấy xe đầu kéo của mình ra sớm nên thông qua Tôn Thất Hòa đã dùng tiền nhờ Đức “giúp” nhưng mọi giao dịch đều thông qua Tôn Thất Hòa. Tuấn cũng không biết Hoàng Khương và những diễn biến của vụ giải cứu xe đua sau đó. Tuấn thừa nhận đây là hành vi vi phạm pháp luật và mong tòa giảm nhẹ.

Trần Minh Hòa thừa nhận việc dùng 15 triệu đồng để nhờ lấy xe đua bị tạm giữ của mình là phạm tội, cáo trạng quy kết tội đưa hối lộ là có cơ sở. Hòa còn khai có lần bị cáo Hoàng Khương còn dặn: “Lấy xe ra rồi thì đem đi mà tẩu tán, đừng để ở nhà lỡ công an thu hồi lại thì mất. Nếu có ai hỏi thì nói không biết Hoàng Khương là ai, không biết chuyện tiền bạc gì hết”...

Cũng thừa nhận tội trạng, Tôn Thất Hòa vẫn bị tòa thẩm vấn khá kỹ, nhất là trong mối quan hệ với Hoàng Khương và mục đích của việc giúp Hoàng Khương chung chi tiền “chuộc” xe đua.

Tòa hỏi: “Bị cáo không quen biết người có xe đua bị giữ, không ăn tiền bạc gì trong việc môi giới này mà tại sao lại nhiệt tình với bị cáo Khương thế?”. Tôn Thất Hòa đáp làm vậy để vừa lòng Hoàng Khương. Tòa tiếp: “Bị cáo biết lòng bị cáo Khương thế nào mà muốn làm vừa lòng, có biết Khương muốn gì không?”. Bị cáo Hòa trả lời: “Tôi biết Khương muốn lấy lại xe…”.

Tôn Thất Hòa cũng khai không biết mục đích của Hoàng Khương lấy xe là để viết bài mà chỉ giúp vì anh em chơi thân, hay ngồi uống cà phê với nhau nhưng hầu hết những lần gọi điện hối thúc bị cáo Đức lấy xe, giấy tờ ra nhanh là do Khương yêu cầu. Hòa còn khai tại buổi nhậu sau khi Đức đồng ý “giúp” lấy xe ra, chính Khương cho người mang biên bản vi phạm và 15 triệu đồng đến quán đưa cho Đức trước mặt mình.

Bị cáo Đức thừa nhận việc này nhưng Hoàng Khương lại khai chỉ đưa tiền cho Tôn Thất Hòa nên tòa cho ba bị cáo đối chất. Đức cũng khai sau khi đăng bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ, Hoàng Khương có gọi điện xưng danh là nhà báo nhưng Hoàng Khương phủ nhận nên tòa cũng phải cho đối chất…

Hoàng Khương: “Tôi chỉ tác nghiệp báo chí”

Người phải trả lời thẩm vấn nhiều nhất là Hoàng Khương. Ngay từ câu đầu tiên, bị cáo đã phủ nhận cáo trạng, cho rằng cáo trạng quy kết mình tội đưa hối lộ là sai hoàn toàn.

Theo Hoàng Khương, bản chất của sự việc chỉ là hành động tác nghiệp báo chí theo yêu cầu của Tòa soạn báo Tuổi Trẻ, không có động cơ cá nhân. Vì với 15 năm làm nghề, bị cáo quen khá nhiều CSGT, nếu cần nhờ vả cá nhân thì chỉ cần gọi điện thoại trực tiếp chứ không phải vất vả dàn dựng như đã làm. Sở dĩ bị cáo không lấy tiền của mình ra đưa cho Đức và dặn Minh Hòa tìm cách tẩu tán chiếc xe là vì muốn thu thập chứng cứ và bảo vệ chứng cứ, giúp các bài báo có tính thuyết phục.

Tòa vặn: “Bị cáo Minh Hòa khai đây không phải là lần duy nhất bị cáo xin xe mà đã từng làm rồi”, Hoàng Khương đáp đúng nhưng lần trước là xin kiểu khác. Tòa hỏi tiếp: “Không có động cơ cá nhân, sao lại nhờ Tôn Thất Hòa đến công an phường xin xác nhận đã kiểm điểm ở tổ dân phố để lấy xe vi phạm ra?”. Hoàng Khương trả lời đó chỉ là động tác nghiệp vụ vì muốn tìm hiểu quá trình vi phạm của CSGT. Theo Hoàng Khương, quá trình nhập vai đều báo cáo cho Tòa soạn báo Tuổi Trẻ nhưng khi tòa hỏi việc đưa tiền có báo không thì bị cáo nói không.

Tòa tiếp: “Không phải xe của mình nhưng mang hồ sơ và tiền đến quán nhậu nhờ lấy rồi nhận lại giấy tờ xe ở quán cà phê. Sau khi biết xe đua “giải cứu” bị thu hồi lại thì mới đăng bài báo “giải cứu xe đua trái phép”, vậy có phải là ép CSGT không?”. Hoàng Khương trả lời không phải, bị cáo có vi phạm trong quá trình tác nghiệp nhưng không có động cơ cá nhân.

Đại diện VKS cũng tham gia chất vấn Hoàng Khương: “Luật Báo chí có quy định nào cho phép bị cáo tác nghiệp theo kiểu đã làm hay không?”. Hoàng Khương đáp luật không nói rõ được phép làm gì nhưng bị cáo có lỗi vì lo chạy theo vụ việc nên can thiệp quá sâu, không lường trước hết hậu quả mang lại.

Theo VKS, nếu tác nghiệp đúng đắn thì có thể dùng người thân hay quen biết để tiếp cận nhưng chỉ chứng kiến để ghi nhận chứ không được phép trực tiếp tham gia chung chi như bị cáo...

Hôm nay, tòa tiếp tục phần xét hỏi và tranh luận.

Những điểm đáng chú ý về tố tụng

- Phần thủ tục, luật sư của Hoàng Khương yêu cầu tòa xác định đại diện Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ tham gia phiên xử với tư cách là cơ quan chủ quản của Hoàng Khương. Cạnh đó, Hoàng Khương chưa bị thu hồi thẻ nhà báo nên luật sư đề nghị tòa căn cứ Điều 14 Luật Báo chí (quyền và nghĩa vụ của nhà báo) để lưu tâm khi xét hỏi.

Sau khi hội ý, tòa cho rằng Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ không có tư cách tham gia tố tụng nhưng luật sư có quyền hỏi đại diện Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ nếu cần. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định phải thu hồi thẻ nhà báo mới bị xét xử. Tòa xét xử Hoàng Khương là với tư cách công dân vi phạm pháp luật, không xử với tư cách nhà báo.

- Kiểm sát viên đính chính cáo trạng: Cáo trạng chỉ ghi truy tố các bị cáo theo các điều 279, 289, 290 Bộ luật Hình sự, đại diện VKS đính chính là các điều 279, 289, 290 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009. Đây chỉ là sơ sót nhỏ về hình thức, còn nội dung điều khoản truy tố thì không có gì khác.

____________________________________

Từ sáng sớm, ngoài số đông PV các báo đài tác nghiệp, còn có hàng chục PV, BTV, đại diện Tòa soạn báo Tuổi Trẻ đến theo dõi phiên tòa. Lúc đầu, bộ phận tổ chức của tòa chỉ cấp cho báo Tuổi Trẻ tám thẻ tham dự nên phần đông đồng nghiệp của Hoàng Khương không được vào phòng xử, chỉ theo dõi qua màn hình bên ngoài phòng xử…

Cha ruột, mẹ vợ và vợ của Hoàng Khương được sắp xếp ngồi ở những hàng ghế đầu trong phòng xử, luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ các đồng nghiệp của Hoàng Khương. Người mẹ già của Hoàng Khương đang bị ung thư giai đoạn cuối phải nằm tại bệnh viện nên không thể đến tham dự phiên tòa. Người cha của Hoàng Khương năm nay đã hơn 80 tuổi, lưng đã còng, tai bị lãng, dù đầy hồi hộp lo âu vẫn cố mỉm cười mỗi khi được đồng nghiệp của con động viên. Ông bảo: “Tôi càng mơ hồ hơn khi con thì bảo oan, người ta (cơ quan tố tụng - PV) lại bảo nó có tội. Nhưng tôi tin vào nó…”.

Khi Hoàng Khương bị bắt, người vợ đang mang thai đứa con thứ hai được bảy tháng. Chị kể mình có động lực để vượt qua cú sốc này vì luôn nhận được sự giúp đỡ, tin tưởng từ cơ quan, đồng nghiệp chồng mình.

Không khí trước giờ tòa khai mạc khá căng thẳng nhưng phiên xử sau đó diễn ra khá trật tự, yên tĩnh. Thời gian làm việc dài nhưng chủ tọa điều khiển phiên tòa mạch lạc khiến người dự khán không bị mệt mỏi.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm