Không lâu sau khi thỏa thuận đạt được, Nhà Trắng đã công bố thông cáo báo chí, trong đó có chứa nội dung được cho là những chi tiết của nó.Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran hôm 27-11 cho rằng đây chỉ là sự diễn giải một chiều về thỏa thuận đạt được. Một số giải thích của Nhà Trắng thậm chí còn “trái ngược” với kế hoạch thực sự.
Các quan chức Iran cáo buộc Nhà Trắng đã “chỉnh sửa” những chi tiết chính của thỏa thuận rồi tung ra nội dung của riêng mình. Chẳng hạn như theo bản dự thảo thỏa thuận được Iran công bố, quyền làm giàu urani của nước này đã được công nhận đầy đủ. Tuy nhiên, nội dung tranh cãi này lại không được Nhà Trắng nói đến. Theo một quan chức Nhà Trắng hôm 27-11, Washington không công nhận quyền làm giàu urani của Iran nhưng Tổng thống Barack Obama nghĩ rằng người dân Iran “nên được tiếp cận năng lượng hạt nhân vì những mục đích hòa bình”.
Tướng Hossein Salami. Ảnh: FNA
Phản ứng mới của Tehran làm dấy lên những lo ngại liệu nội dung thỏa thuận tạm thời nói trên có được thực thi trong những tuần tới hay không. Nỗi lo này càng gia tăng khi Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif hôm 27-11 cho biết sẽ theo đuổi việc xây dựng lò phản ứng nước nặng Arak. Pháp ngay lập tức kêu gọi Tehran tuân thủ những gì đã thỏa thuận tại Geneva.
Dự án lò phản ứng Arak chưa hoàn tất nói trên là một trong những trở ngại lớn trên con đường đàm phán trước khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận ban đầu, theo đó Tehran đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân trong 6 tháng để đổi lấy việc nới lỏng các biên pháp trừng phạt. Theo thỏa thuận, Iran cam kết không thúc đẩy tiến triển của dự án Arak.
Phát biểu trước quốc hội, ông Zarif cho biết điều này có nghĩa là sẽ không có sự gia tăng về công suất tại lò phản ứng Arak nhưng công việc xây dựng nó vẫn sẽ tiếp tục. Các cường quốc đang lo ngại lò phản ứng Arak có thể là nguồn cung cấp plutonium để dùng vào việc sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, tướng Hossein Salami, một nhân vật cao cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hôm 26-11 thông báo nước này đã phát triển được công nghệ tên lửa đạn đạo của riêng mình. Theo ông, Iran là nước thứ 3 trên thế giới sở hữu công nghệ tên lửa đạn đạo của riêng mình, theo sau Mỹ và Liên Xô.
Theo P.Võ (NLĐO / Washington Free Bacon, Reuters)