Chuyện thứ nhất. Sáng 29-11, Bến xe Miền Tây triển khai việc tăng giá dịch vụ xe ra, vào bến từ ngày 1-12 (theo Quyết định 74/2011 của UBND TP.HCM). Theo đó, giá dịch vụ xe ra vào bến sẽ từ 1.980 đồng/ghế tăng lên thành 3.500 đồng/ghế (giường nằm 4.550 đồng/ghế). Điều này vấp phải sự phản ứng của các doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đình Quát, Giám đốc DNTN Thiên Thiên Hương, Bến xe Miền Tây không thể đòi tăng giá dịch vụ từ ngày 1-12 vì hợp đồng giữa bến và các doanh nghiệp ký theo giá cũ vẫn còn giá trị đến hết ngày 31-12.
Ông Kiều Nam Thành, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Tây, cho rằng Quyết định 74 có hiệu lực từ ngày 1-12 nên “mong các doanh nghiệp, hợp tác xã thông cảm”. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, Quyết định 74 có hiệu lực “từ” chứ không phải “đúng” ngày 1-12. Do đó, nếu Bến xe Miền Tây vi phạm hợp đồng còn hiệu lực, họ sẽ kiện ra tòa. Một biện pháp “hòa bình” hơn được đề xuất là các doanh nghiệp sẽ tăng giá vé và như thế hành khách là người chịu thiệt.
Chuyện thứ hai. Ngày 25-11, Bến xe Miền Đông đưa ra kế hoạch chạy xe tết Nhâm Thìn 2012. Theo đó, từ ngày 15 đến 29 tháng Chạp năm Tân Mão sẽ có ba đợt tăng giá vé với các mức lần lượt là 20%, 40% và 60%. Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, nói: Kế hoạch tăng giá trên được xây dựng trên “tinh thần cuộc họp chung với các đơn vị xe khách”.
Theo một chuyên viên Sở GTVT, việc làm trên của Bến xe Miền Đông hoàn toàn trái các quy định hiện hành. Việc xây dựng, kê khai, niêm yết và thực hiện giá vé phải do doanh nghiệp chủ động đăng ký với các cơ quan quản lý như Sở Tài chính, Cục Thuế TP, Sở GTVT… Còn bến xe chỉ là đơn vị được doanh nghiệp thông báo và theo dõi thực hiện giá vé mới.
“Việc Bến xe Miền Đông xây dựng kế hoạch tăng giá vé xe tết trên tinh thần “họp” với các đơn vị vận tải là biến tướng của hình thức “hiệp thương” trước đây và đã bị cấm từ nhiều năm qua. Vì lẽ “hiệp thương” hoặc các biến tướng của nó có đích nhắm tới là làm thiệt hại quyền, lợi ích của hành khách đi xe” - chuyên viên này kết luận.
Kiến nghị “phớt lờ” quy định gắn thiết bị giám sát Theo quy định, từ ngày 1-7, xe khách chạy tuyến cố định từ trên 500 km phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Thế nhưng tại bản kế hoạch xe tết, Bến xe Miền Đông kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT cho các xe huy động tăng cường chưa gắn thiết bị này được phép chạy đường dài trên 500 km. Lý do, các xe tăng cường là xe từ tuyến ngắn (dưới 300 km), xe hợp đồng và xe buýt chưa phải gắn thiết bị này theo quy định. Kiến nghị trên có thể dẫn đến hệ quả như năm trước, đó là hành khách phải về quê trên những chiếc xe không đủ điều kiện kinh doanh, thiếu an toàn kỹ thuật. |
L.ĐỨC - H.TUYÊN