Trong năm năm qua Đà Nẵng đã huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, đoàn thể đến từng hộ gia đình, từng người dân tham gia thực hiện đề án này.
Vậy mà trong bài trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCMngày 22-3, chính Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh lại thẳng thắn thừa nhận “văn hóa đô thị của Đà Nẵng còn thấp lắm”, dẫn lời góp ý của Giáo sư Hoàng Chương. Nhiều người có trách nhiệm khác ở Đà Nẵng cũng tự “chê” như vậy.
Đó là điều đáng ngạc nhiên nếu xét theo lối tư duy “xấu che, tốt khoe”. Nhưng thực ra không cần ngạc nhiên bởi mới đây, Đà Nẵng là một trong những TP đầu tiên ở Việt Nam “dám” tổ chức hội thảo quy mô lớn để tìm kiếm ý tưởng đưa mình lên ngang tầm các TP phát triển của ASEAN và châu Á. Tại đó, lời khen Đà Nẵng không ít, lời chê càng nhiều nhưng tựu trung đều ghi nhận việc tổ chức hội thảo là cả một sự… lãng mạn không hề phi thực tiễn, ngược lại giúp Đà Nẵng xác định những mục tiêu để tự nâng tầm mình lên!
Còn quá sớm để nói về việc hiện thực hóa các ý tưởng, song có thể nhận thấy nhận thức của Đà Nẵng về “tầm vóc” của chính mình bắt đầu thay đổi. Tự “nói xấu” mình trong trường hợp này không hề khiến Đà Nẵng xấu đi, mà lại khiến từng người dân trong TP tự thấy mình “lớn” lên và có trách nhiệm hơn. Điều đó thể hiện qua ba nội dung chính Đà Nẵng sẽ tiếp tục tập trung trong năm năm tới. Đó là: Xây dựng quan hệ giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng và cộng đồng dân cư để Đà Nẵng là “một trong những TP hài hòa, thân thiện, bình yên và có đời sống văn hóa cao”; chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông để Đà Nẵng thành “một TP giàu tính nhân văn, hấp dẫn”. Giữ gìn vệ sinh, môi trường, xây dựng đô thị xanh-sạch-đẹp để Đà Nẵng “trở thành TP có môi trường đô thị văn minh, thiên nhiên trong lành”. Mục tiêu của các nội dung trên chính là xây dựng Đà Nẵng trở thành một “TP đáng sống”. Và như vậy, việc “tự nói xấu” đã có ý nghĩa tích cực!
HẢI CHÂU