Ngừng xuất khẩu mì ăn liền sang EU để chờ... hướng dẫn

Tháng 12-2021, Ủy ban châu Âu đăng công báo Quy định số (EU) 2021/2246 sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm, quả và thực phẩm như rau mùi 50%, hạt tiêu 50%, thanh long 20%... và mì ăn liền 20%. Quy định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 20 kể từ ngày đăng công báo

Cụ thể từ ngày 6-1-2022, mì ăn liền Việt Nam sẽ chịu tần suất kiểm tra 20% với dư lượng của Ethylene Oxide (EO).

Do mì ăn liền là sản phẩm tổng hợp, trong trường hợp sản phẩm có thêm trứng hoặc mỡ động vật thì cần thêm Health certificate (HC-chứng thư) từ Cục Thú Y.

Nếu thuần túy các sản phẩm từ thực vật thì cần liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để lấy chứng thư .

Từ tháng 1-2022, mì ăn liền Việt Nam xuất khẩu sang EU nếu có trứng và mỡ động vật cần có chứng thư. Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Liên quan đến quy định trên, một số doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang châu Âu cho biết gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn rõ ràng về cấp chứng thư từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám Đốc  công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, hiện công ty đang làm việc với Trung tâm công nhận giám định Eurofins Sắc Ký Hải Đăng để yêu cầu giám định và cung cấp chứng thư theo mẫu của EU để tạm xuất hàng.

Tuy nhiên, chỉ một số khách hàng chấp nhận đối với chứng thư được cấp bởi đơn vị này, số khác lại không đồng ý và yêu cầu chứng thư phải được cấp từ cơ quan của nhà nước Việt Nam. Điều này buộc công ty phải tạm ngưng xuất hàng và đợi hướng dẫn từ các cơ quan chức năng tại Việt Nam.

"Chúng tôi kiến nghị các bộ ngành nhanh chóng cử đơn vị cấp chứng thư gấp để tránh trì trệ và ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu không chỉ của Acecook Việt Nam mà còn của các doanh nghiệp khác" - ông Kajiwara Junichi nói.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (Thiên Hương Food) và đại diện Vifon cho biết thời gian qua gặp khó khăn với quy định trên nên nên các công ty tạm ngừng sản xuất mì xuất khẩu vào thị trường EU.

Theo đại diện Thiên Hương Food, hiện việc cấp chứng thư đối với mặt hàng phở khô không gia vị, bún khô không gia vị vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Đối với các loại mì, phở có gia vị phải có chứng thư từ Cục Thú y thì cục đã cấp chứng thư cho các công ty theo quy trình bắt buộc.

Ngày 8-3, Bộ Công Thương có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh thành, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh hướng dẫn thực hiện quy định mới về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu.

Theo đó, Bộ đề nghị các cơ quan trên hướng dẫn DN gửi văn bản đề nghị chứng nhận kèm theo các bằng chứng (nếu có) về thông tin lô hàng trước khi làm thủ tục xuất khẩu.

Trong thời gian năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, bộ đề nghị DN phối hợp với cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước để lấy mẫu, kiểm nghiệm dư lượng chất EO.

Trên cơ sở kết quả kiểm nghiệm, bộ sẽ chứng nhận theo quy định. Trong trường hợp cần thiết, bộ tổ chức đoàn kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm xuất khẩu.

Đồng thời, bộ công bố ba cơ sở xét nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước được chỉ định gồm Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh quốc gia; Công ty SGS Việt Nam TNHH và Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm