Lời hứa ngàn cân của Walt Disney

Bộ phim đang nhận được đề cử cho hạng mục Nhạc phim xuất sắc nhất tại giải Oscar 2014 - Saving Mr. Banks (tựa tiếng Việt: Cuộc giải cứu thần kỳ vừa ra rạp Việt ngày 21-2) một lần nữa làm sống lại hình ảnh Mary Poppins quen thuộc với bao thế hệ khán giả, độc giả.

Mâu thuẫn muôn đời giữa nhà văn và nhà làm phim

Mary Poppins là tựa của loạt tám tập sách thiếu nhi của nhà văn người Anh P.L. Travers. Phần được tái hiện trong bộ phim Saving Mr. Banks chính là bốn trong tổng thể tám tập của loạt sách này. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong tám tác phẩm Mary Poppins mà hãng Walt Disney lấy được bản quyền dựng thành phim hoạt hình.

Câu chuyện Saving Mr. Banks khai thác hậu trường quá trình Walt Disney xin phép chuyển thể tác phẩm Mary Poppins thành phim. Đó là năm 1961 - thời điểm khoảng 20 năm kể từ khi Walt Disney (Tom Hanks đóng) mong muốn sở hữu bản quyền cuốn sách Mary Poppins để chuyển tài thành phim. Ông Walt Disney đã mời nhà văn P.L. Travers (Emma Thompson đóng) tới hãng phim của mình tại Los Angeles (Mỹ) để tiếp tục thuyết phục về vấn đề tác quyền. Câu chuyện phim hầu hết xoay quanh hai tuần bà Travers ở tại Los Angeles để theo sát quá trình thực hiện bộ phim nổi tiếng này.

Nhà văn Travers (Emma Thompson đóng) chỉ đồng ý cho Walt Disney (Tom Hanks đóng - phải) chuyển thể tác phẩm Mary Poppins khi cả hai cùng hiểu về những lời hứa với con cái quan trọng như thế nào. Ảnh: CGV

Bộ phim làm khán giả lý thú khi biết rằng để chuyển thể được một tác phẩm văn học lên màn ảnh là điều không hề dễ dàng. Hai tuần làm phim, những mâu thuẫn muôn đời giữa nhà văn và nhà làm phim luôn xảy ra. Đó là khi nhà văn tưởng tượng nhân vật của mình theo cách của nhà văn, còn nhà làm phim tưởng tượng nhân vật dưới góc độ độc giả và con mắt điện ảnh; nếu nhân vật của nhà văn đầy mơ mộng thì nhân vật trong điện ảnh phải nhún nhảy sôi động hơn. Đó là mâu thuẫn của chính tác giả Travers khi lo sợ bộ phim lên màn ảnh thì nhân vật của mình sẽ bị thay đổi nhưng nếu không đồng ý chuyển thể thì đời sống của bà hầu như bên bờ vực khi thực tế bà không thể tiếp tục sáng tác và tiền trang trải đời sống đã dần hết.

Sức nặng của hai lời hứa

Lý do ông chủ Walt Disney muốn đưa Mary Poppins lên màn ảnh rộng chính từ lời hứa với con gái của ông. Từ năm 1934, khi sách bắt đầu xuất bản, con gái của Walt Disney đã xin ông hãy làm phim về cuốn sách chúng yêu thích của tác giả P.L. Travers. Walt đã hứa với các con sẽ làm như vậy và dù mất 20 năm để thương lượng bản quyền và hai năm chuyển thể ông vẫn làm. Và lý do sâu xa mà nữ nhà văn Travers không muốn chuyển thể tác phẩm bởi bà sợ một ngày bà không giữ được lời người cha dặn “đừng bao giờ để tiền làm áp lực cho cuộc sống của mình”.

Và Travers lẫn Walt Disney chỉ ký được hợp đồng chuyển thể tác phẩm khi nhà làm phim hiểu được lời dặn từ thời thơ ấu Travers, cũng như Travers hiểu được lời hứa của một người cha ảnh hưởng đến con gái như thế nào. Cả hai đã cùng đem tới tự do cho Mary Poppins trong một bộ phim được yêu thích nhất trong lịch sử nền điện ảnh.

Có lẽ vì vậy, khi thực hiện Saving Mr. Banks, đạo diễn John Lee Hancock đã vô cùng ấn tượng với câu chuyện đó như lời ông chia sẻ: “Saving Mr. Banks không phải nói về quá trình hậu kỳ của Mary Poppins mà là câu chuyện của chúng ta; câu chuyện đặc biệt về bộ phim được mọi người yêu mến, nguồn gốc các nhân vật, nguyên nhân khiến nó trở thành một tác phẩm tuyệt vời và đột phá. Ở một khía cạnh sâu sắc hơn, nó nói về hai người kể chuyện và cuộc hành trình Disney khám phá căn nguyên dẫn tới mối liên kết sâu sắc và ý thức bảo vệ mạnh mẽ của P.L. Travers với tác phẩm của mình, cùng hình ảnh người cha mà bà vô cùng yêu quý”.

CÁT ANH

Không đồng ý cho chuyển thể tác phẩm thành phim

Bộ phim Mary Poppins do hãng Walt Disney sản xuất năm 1964 đã từng nhận được 13 đề cử Oscar và chiến thắng ở năm hạng mục giải thưởng: Nữ diễn viên chính, Biên tập phim, Hiệu ứng hình ảnh, Nhạc phimCa khúc trong phim tại lễ trao giải Oscar 1965.

Tuy nhiên, sau khi bộ phim Mary Poppins phát hành, nhà văn P.L. Travers đã không đồng ý cho hãng Walt Disney chuyển thể bất cứ tập truyện nào khác của bà thành phim bởi những mâu thuẫn khó hòa giải khi chuyển thể. Sau này, nhà văn Travers chỉ đồng ý chuyển thể phần còn lại của tác phẩm Mary Poppins trên sân khấu sau khi làm việc với nhà sản xuất người Anh Cameron Mackintosh. Trong di chúc bà để lại ghi rằng bà chỉ chấp nhận chuyển thể tác phẩm trên sân khấu với một điều kiện duy nhất chỉ có những nhà biên kịch người Anh, sinh ra tại Anh mà không phải Mỹ (đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực sản xuất phim) dính líu trực tiếp tới việc sản xuất âm nhạc sân khấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm