Trong đơn kháng cáo, ông Sơn yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng hủy bỏ hồ sơ kê biên, trả lại 5.000 m2 đất cho gia đình ông phục hồi vườn cây. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng mức bồi thường theo bản án sơ thẩm là thiếu công bằng, không hề đề cập đến thiệt hại mà gia đình ông phải gánh chịu vì không thể canh tác trên phần đất trên trong suốt bảy năm (từ 2009 đến 2016).
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, năm 2004, gia đình ông Sơn mua mảnh đất rộng 10.000 m2 tại xã Cư Ni của người khác nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Chủ cũ mảnh đất làm ăn thua lỗ bị kiện ra tòa và bị kê biên 5.000 m2 trong số diện tích đất đã bán cho ông Sơn. Ông Sơn phản đối, không ký vào biên bản kê biên, không đồng ý bàn giao tài sản và tiếp tục canh tác trên mảnh đất đã mua.
Đầu năm 2013, ông Sơn thuê người, máy móc san ủi vườn cà phê già cỗi để chuyển đổi cây trồng thì bị cơ quan thi hành án dân sự huyện Ea Kar lập biên bản xác định ông có hành vi hủy hoại tài sản trên đất kê biên. Tháng 7-2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar đã khởi tố ông Sơn và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tháng 12-2013, TAND huyện Ea Kar phạt ông sáu tháng tù về tội vi phạm việc kê biên tài sản...
Ông Sơn kháng cáo kêu oan. Tháng 6-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì xác định cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Tháng 6-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar xác định ông Sơn không phạm tội nên đình chỉ điều tra, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông. Tháng 9-2015, đại diện CQĐT, VKS, TAND huyện Ea Kar đã tổ chức buổi công khai xin lỗi và khẳng định sẽ bồi thường cho ông Sơn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Sau nhiều lần thỏa thuận mức bồi thường không thành, tháng 11-2015, ông Sơn đã khởi kiện TAND huyện Ea Kar yêu cầu phải bồi thường cho ông 740 triệu đồng. Tháng 6-2016, TAND huyện Ea Kar xét xử đã tuyên chính mình phải bồi thường cho ông Sơn hơn 46 triệu đồng.