Nghịch lý: công nhân nơm nớp lo lương tăng

Nhiều công nhân giãi bày như thế tại buổi đối thoại giữa 3.000 công nhân đến từ tám tỉnh, thành trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An) với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 30-4.

Lương chưa kham mức sống tối thiểu

Anh Trịnh Anh Tuấn làm việc tại Bình Dương trần tình một trong những nỗi lo của công nhân là lương tăng, giá cũng tăng theo. Vừa rồi lương có tăng và sắp tới sẽ có chính sách tăng lương cho người lao động.

Còn anh Vũ Duy Thơ, công nhân bảo trì máy (KCN Amata, Biên Hòa, Đồng Nai), tâm tư tiền lương tối thiểu của công nhân hiện nay còn thấp, lương tối thiểu cao nhất ở vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng, còn vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng. Thu nhập thấp nên chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.Vậy làm thế nào để khắc phục sự khó khăn này?

Hai công nhân đã đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là hai trong số chín câu hỏi liên quan đến vấn đề tiền lương, BHXH, giá cả, nhà trẻ, nhà ở dành cho công nhân, nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, chất lượng bữa ăn công nhân, công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề nhưng doanh nghiệp chưa mặn mà…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng giải quyết vấn đề này Nhà nước sẽ giữ chỉ tiêu lạm phát không tăng, bình ổn giá. Cùng đó triển khai hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu của công nhân gồm bán lẻ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống giá cả bình ổn, không để tư thương ép giá công nhân. Cùng việc điều chỉnh lương tối thiểu, cơ quan chức năng cần phải giám sát việc tăng lương đúng quy định, kiểm soát giá tăng, không để lương công nhân không kịp với tăng giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề tiền lương, thu nhập và đời sống của công nhân. Thủ tướng cho biết khi hỏi nhanh một công nhân được biết thu nhập khoảng 5 triệu đồng, thậm chí có công nhân bảo thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đời sống của công nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với 3.000 công nhân về các vấn đề tiền lương, BHXH, bữa ăn ca, nhà trẻ… tại Đồng Nai sáng 30-4. Ảnh: P.ĐIỀN

Điều chỉnh lương, cắt phụ cấp

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCX-KCN với hàng triệu công nhân làm việc, trong đó 70%-85% là người từ các tỉnh, thành khác đến. Ông Hải cho rằng có những doanh nghiệp chăm lo, xem người lao động là vốn quý. Tuy nhiên, không phải lúc nào người sử dụng lao động, các nhà quản lý cũng đánh giá trung thực đóng góp của công nhân lao động vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội để có những phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý hay có những chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức người lao động đã bỏ ra.

Theo ông Hải, tiền lương của công nhân chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, đa số công nhân phải tăng ca để có thêm thu nhập. Đại đa số công nhân lao động vẫn phải sống trong các khu nhà trọ và nhiều người chưa được hưởng chính sách nước sạch, điện sinh hoạt đúng giá. Đáng chú ý, nhiều nữ công nhân phải đưa con về quê hoặc gửi con trong các nhóm trẻ, nhà trẻ dân lập chưa đạt chất lượng nuôi dưỡng, cá biệt còn xảy ra nhiều việc đau lòng.

Ông Hải lo ngại đầu năm 2016, khi nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm phụ cấp, trợ cấp của người lao động. Thậm chí có doanh nghiệp còn chiếm đoạt quyền lợi hợp pháp của người lao động, thu tiền BHXH hằng tháng của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH. Cùng đó, tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động rồi bỏ trốn, đẩy người lao động lâm vào tình cảnh nợ nần, bức xúc.

Doanh nghiệp chưa mặn mà nâng tay nghề công nhân

Nữ công nhân Lê Mỹ Linh làm việc tại KCN Trảng Bàng, Tây Ninh trăn trở công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề để đảm bảo công việc và được tăng lương. Ngược lại các doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho công nhân học thêm nghề. Công nhân ngày này qua tháng khác chỉ quen làm việc theo chuyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông rất tâm đắc với câu hỏi này và cho rằng nâng cao tay nghề là chìa khóa sắc bén để nâng cao năng suất lao động. Thủ tướng lưu ý: Chính quyền, công đoàn và cả doanh nghiệp cần có biện pháp cụ thể. Trong đó công đoàn, chính quyền cần có biện pháp để nâng cao tay nghề. “Con người là nguồn lực quan trọng nhất, doanh nghiệp muốn phát triển dứt khoát phải đầu tư cho nguồn nhân lực. Tất nhiên, chính phủ cũng có những chính sách tác động và hỗ trợ để cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt hiệu quả nhanh và cao nhất” - Thủ tướng nói.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2016 lên 14%. Ngược lại có ý kiến bảo tăng vậy không hợp lý chỉ nên tăng 6%, 10%. Sau đó Hội đồng tiền lương quốc gia chốt lại tăng 12%. Mức tăng này phần nào nâng cao đời sống công nhân. “Khi tăng lương tối thiểu năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia xem xét phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của công nhân lao động.”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm