Cơ quan điều tra bán gỗ vật chứng là trái luật

Trên số báo ra ngày 12-5, chúng tôi có đăng bài “Bán lô gỗ vật chứng trước khi tòa xử” phản ánh về vụ án buôn lậu gỗ trắc mà TAND TP Đà Nẵng vừa đưa ra xét xử. Vụ án này tòa đã hai lần mở phiên xử nhưng cả hai lần tòa đều hoãn. Lần mới đây nhất, ngày 6-5, tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thế nhưng từ năm 2013, CQĐT Bộ Công an đã cho bán lô gỗ vật chứng của vụ án. Vì vậy, TAND TP Đà Nẵng đã yêu cầu điều tra bổ sung về tính hợp pháp của việc xử lý vật chứng này.

Đang điều tra vẫn cho bán gỗ vật chứng

Theo hồ sơ, Công ty TNHH TM Ngọc Hưng đóng tại thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị, do bà Trần Thị Dung làm giám đốc, ông Trương Huy Liệu (chồng bà Dung) làm phó giám đốc. Ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng mở tờ khai nhập khẩu hơn 535 m3 gỗ trắc các loại từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo. Sau đó, công ty tiếp tục mở tờ khai tại cửa khẩu cảng Cửa Việt, xuất khẩu nguyên lô gỗ đã nhập khẩu sang Hong Kong.

Ngày 30-12-2011, Tổng cục Hải quan (TCHQ) gửi công văn hỏa tốc cho Cục Hải quan TP Đà Nẵng và Hải quan Quảng Trị yêu cầu dừng làm thủ tục thông quan đối với lô hàng nêu trên. Đồng thời, TCHQ giao hồ sơ cho Cục Điều tra chống buôn lậu (đơn vị trực thuộc của TCHQ) tổ chức khám xét, điều tra, xử lý.

Hơn ba tháng sau, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và tạm giữ lô gỗ làm tang vật vụ án. Sau đó, TCHQ chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an (gọi tắt là C44).

Khi vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra thì ngày 31-7-2013, cơ quan CSĐT ra quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức cho bán đấu giá lô gỗ này. Kết quả lô gỗ này được bán với giá gần 64 tỉ đồng, trừ chi phí thì còn lại 60,8 tỉ đồng.

Bị cáo Trương Huy Liệu, phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng, người bị truy tố tội buôn lậu, trước phiên tòa ngày 6-5. Ảnh: PHONG NHA

Lô gỗ vật chứng đã bị CQĐT cho bán, gây khó khăn cho tòa khi xét xử. Ảnh: PHONG NHA

Bán theo thủ tục xử lý vật chứng là sai luật

Trong quyết định xử lý vật chứng, CQĐT viện dẫn Điều 34 và Điều 76 BLTTHS làm căn cứ pháp lý. Trong đó, điểm c khoản 2 Điều 34 cho phép thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT có quyền xử lý vật chứng. Còn khoản 1 Điều 76 bộ luật này thì quy định việc xử lý vật chứng do CQĐT quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra.

Như vậy, có thể thấy ngay rằng CQĐT chỉ có quyền ra quyết định xử lý vật chứng khi và chỉ khi vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra. Ở đây vụ án vẫn đang trong vòng tố tụng, không được đình chỉ mà CQĐT ra quyết định xử lý vật chứng là hoàn toàn sai luật.

Ngay cả VKS cũng thế, điều luật trên quy định viện chỉ được quyền xử lý vật chứng nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố. “Chỉ có tòa án hoặc HĐXX mới có quyền xử lý vật chứng khi vụ án ở giai đoạn xét xử” - luật sư Trương Xuân Tám, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định.

Bán dạng bảo quản vật chứng cũng không ổn

Theo luật sư Tám, CQĐT vẫn có quyền bán vật chứng dưới hình thức bảo quản vật chứng theo khoản 2 Điều 75 BLTTHS. Tuy nhiên, việc bán vật chứng chỉ thực hiện nếu vật chứng đó là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản theo điểm d khoản 2 Điều 75 bộ luật này.

Tuy nhiên, do vật chứng ở đây là gỗ nên khó có thể coi nó là hàng hóa mau hỏng, khó bảo quản. Bởi lẽ theo điểm đ khoản 1 Điều 8 Quy chế quản lý kho vật chứng (ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002 của Chính phủ) thì vật thuộc loại mau hỏng, không thể bảo quản lâu tại kho vật chứng như lương thực, thực phẩm tươi sống, dược phẩm, dược liệu... mới được chuyển cho cơ quan chức năng để tổ chức bán đấu giá.

Tóm lại, CQĐT dù bán lô gỗ theo thủ tục xử lý vật chứng hay theo thủ tục bảo quản vật chứng cũng đều sai luật.

Không hiểu vì sao CQĐT lại vội vàng cho bán trái luật lô gỗ này trong khi nó là vật chứng quan trọng của vụ án, nó còn phục vụ cho việc giám định lại, truy xuất nguồn gốc để xem nó có “lậu” hay không. Bởi với những chứng cứ hiện tại, tòa án đã không thể kết tội được các bị cáo trong vụ án có dấu hiệu oan này.

Yêu cầu làm rõ cái chết của nhân chứng

Một trong những yêu cầu của TAND TP Đà Nẵng khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung là yêu cầu CQĐT làm rõ có hay không việc bức cung dẫn đến cái chết của anh Trần Đình Quang, nhân chứng của vụ án.

Anh Quang (sinh năm 1986, trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) là nhân viên Công ty Ngọc Hưng. Tháng12-2011, Quang được Công ty Ngọc Hưng giao nhiệm vụ đến cửa khẩu Lao Bảo nhận và mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô gỗ trắc (lô gỗ sau này là tang vật vụ án).

Tháng 11-2012, ông Trương Huy Liệu, phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng, bị CQĐT (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam về tội buôn lậu. Từ đây, Quang liên tiếp được CQĐT triệu tập ra Hà Nội để lấy lời khai. Những lần như vậy, anh Quang đều cho rằng mình bị ép cung nên đã làm đơn kêu cứu gửi đến trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Ngày 14-5-2013, Ban Nội chính Trung ương có phiếu chuyển đơn của anh Quang đến thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Ngày 20-5-2013, anh Quang được C44 Bộ Công an triệu tập đến để làm việc liên quan tới nội dung khiếu nại trước đó. Đến cuối ngày, anh Quang được về và được hẹn tiếp tục làm việc vào ngày 22-5-2013.

Rạng sáng 22-5-2013, gia đình phát hiện anh Quang đã treo cổ tự tử trong nhà, để lại bốn lá thư tuyệt mệnh. Trong đó, một lá thư nói những suy nghĩ của anh về những hành vi của cán bộ Phòng 4 - C44 Bộ Công an.

Bất thường về giá bán lô gỗ

Tại thời điểm CQĐT cho bán lô gỗ, giá thị trường lô gỗ vật chứng không dưới 300 tỉ đồng. Không hiểu vì sao người ta chỉ bán được 1/5 giá thực tế.

Ông LÊ VĂN TỚI, nguyên Cục trưởng
Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm