Tháng 6-2013, Công ty Cổ phần Dược phẩm Đông Tây (gọi tắt là Công ty Đông Tây) ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng (NH) TMCP Quân đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn (gọi tắt là NH) vay 4,5 tỉ đồng. Để đảm bảo cho khoản vay cho Công ty Đông Tây, vợ chồng bà Đ. (trú quận 7, TP.HCM) đã dùng hai mảnh đất để thế chấp cho NH. Hai mảnh đất này đều đứng tên bà Đ. và thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Án phúc thẩm: Bán đấu giá tài sản sai
Do Công ty Đông Tây không trả được nợ nên NH chuyển nợ cho Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản NH TMCP Quân đội - Chi nhánh Hồ Chí Minh (viết tắt là MBAMC) để xử lý tài sản của bà Đ. Ngày 29-9-2015, MBAMC mới mời bà Đ. lên họp, bà không đồng ý với cách xử lý của MBAMC là bán đấu giá hai mảnh đất. Bà Đ. đề nghị cho Công ty Đông Tây thêm thời gian để thu xếp trả nợ và MBAMC không có ý kiến trong văn bản làm việc.
Tháng 4-2016, MBAMC đã xử lý nợ bằng cách kết hợp với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bán đấu giá đất nhưng không thông báo cho Công ty Đông Tây và vợ chồng bà Đ. Sau đó, do người trúng đấu giá là ông A. không nhận được đất (dù ông này đã trả hết tiền) nên khởi kiện yêu cầu phía NH phải bàn giao cho ông. Vợ chồng bà Đ. là người liên quan cũng có yêu cầu độc lập là hủy hai hợp đồng bán đấu giá trên.
Tháng 6-2018, TAND TP Vũng Tàu xét xử sơ thẩm, tuyên án chấp nhận yêu cầu của ông A., bác yêu cầu của bà Đ. Tuy nhiên, sáu tháng sau, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc phẩm đã sửa án, chấp nhận yêu cầu của bà Đ. hủy hai hợp đồng bán đấu giá tài sản.
Theo tòa phúc thẩm, tại buổi làm việc với MBAMC, bà Đ. đã thể hiện việc không muốn bán đấu giá hai mảnh đất. Tuy tại điều 4 hợp đồng thế chấp có quy định “ủy quyền không hủy ngang, vô điều kiện” nhưng bên ủy quyền có thể chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào do đây là ủy quyền không có thù lao. Vì vậy, NH bàn giao tài sản cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh mà không được sự đồng ý của bà Đ. là trái luật.
Ngoài ra, phía NH đã vi phạm về thực hiện thông báo xử lý nợ đối với bà Đ., việc định giá tài sản thì thấp hơn nhiều so với thực tế. NH tự tiến hành xử lý tài sản bảo đảm bằng phương thức bán đấu giá để thu hồi nợ không đúng nên hợp đồng vô hiệu. Từ đó, HĐXX đã tuyên vô hiệu đối với hai hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa ông A. và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh.
Mảnh đất của bà Đ. là tài sản thế chấp cho hợp đồng vay. Ảnh: MV
Bế tắc việc thi hành bản án
Sau khi có bản án phúc thẩm, Công ty Đông Tây đã liên hệ với MBAMC yêu cầu được trả toàn bộ nợ gốc và lãi để NH trả lại tài sản thế chấp cho vợ chồng bà Đ. Theo công ty, tòa tuyên hợp đồng vô hiệu tức là các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, phía MBAMC phải trả lại tiền cho ông A., tài sản thì trả về NH. Tuy nhiên, MBAMC không chịu vì lý do khoản nợ đã được hạch toán vào số tiền bán đấu giá tài sản.
Bà Đ. cũng đề nghị NH được nhận lại hai mảnh đất sau khi bà và công ty Đông Tây tự nguyện trả hết nợ nhưng đến nay NH không đưa ra hướng giải quyết nào. Sau đó, bà Đ. cũng có đơn yêu cầu thi hành án nhưng Chi cục Thi hành án dân sự TP Vũng Tàu không nhận đơn vì bản án phúc thẩm chỉ tuyên hủy hợp đồng bán đấu giá tài sản do vô hiệu mà không có nội dung nào liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của các bên.
Để tìm hiểu rõ thông tin, Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần liên hệ với NH nhưng chưa nhận được trả lời với lý do lãnh đạo bận họp và phải thực hiện theo quy trình làm việc nội bộ… Trong khi trao đổi với PV, một đại diện của MBAMC (không đồng ý nêu tên) cho rằng việc nhận chuyển nợ và xử lý tài sản của công ty là đúng. Nếu PV muốn biết cụ thể hơn thì phải có văn bản yêu cầu…
Ngày 10-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Tây, cho biết trước đây NH không có thông báo chính thức nào cho công ty và bà Đ. về việc chuyển nợ sang MBAMC. Việc không thể thanh lý hợp đồng tín dụng là do phía MBAMC tự ý bán đấu giá sai, dẫn đến ảnh hưởng đến quyền tài sản của bà Đ. Hiện nay cả công ty và bà Đ. đã có đơn đề nghị được thanh toán tiền lãi và tiền gốc nhưng vẫn chưa có kết quả.
Ngày 18-4 mới đây, ông Trần Văn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Vũng Tàu, cho biết cơ quan thi hành án không thể thi hành án vì nội dung của bản án không có yêu cầu thi hành cụ thể. Căn cứ pháp lý là điểm a khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Ngoài ra, khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/2015 của Chính phủ cũng quy định rõ: Cơ quan thi hành án từ chối thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ thi hành án.
Giải quyết cách nào? Theo TS Nguyễn Văn Tiến, Trường ĐH Luật TP.HCM, bản án phúc thẩm chưa đưa ra hướng xử lý tài sản là chưa giải quyết thấu đáo vụ kiện, khiến các bên không có lối ra. Để xử lý tận cùng tài sản thế chấp, những người liên quan phải yêu cầu giám đốc thẩm để hủy cả hai bản án, giải quyết lại từ đầu. Ngoài ra, người mua trúng đấu giá là ông A. có thể khởi kiện NH yêu cầu đòi bồi thường vì lỗi bán đấu giá sai, gây thiệt hại cho ông. Lúc này, phía chủ tài sản là bà Đ. cũng có quyền yêu cầu thực hiện được việc trả nợ cho NH để nhận lại tài sản. Luật sư Mai Thị Kim Sa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng cái sai ban đầu là việc NH chuyển nợ cho MBAMC để bán đấu giá là sai. Vì theo quy định, đối với tài sản đăng ký sở hữu thì NH bắt buộc phải khởi kiện tại tòa án để xử lý. Hiện nay ông A. có thể khởi kiện yêu cầu NH bồi thường cho mình. Về phía bà Đ. muốn trả nợ thay cho người vay để thu hồi lại đất thì cũng phải thông qua một bản án có hiệu lực. Nhưng cũng có thể giải quyết bằng một thỏa thuận giữa các bên nếu phía NH có trách nhiệm tự khắc phục sai sót của mình. Theo đó, NH có thể trả lại tiền trúng đấu giá cho ông A. rồi trả lại đất cho bà Đ. sau khi bà này và Công ty Đông Tây tất toán hết khoản nợ. |