Giao giám định tài chính cho Kiểm toán Nhà nước?

Sáng 25-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Một trong những vấn đề gây nhiều tranh luận liên quan đến đề xuất giao thêm nhiệm vụ GĐTP cho Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Nhiều đại biểu ủng hộ

Phát biểu trước QH, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (đại biểu (ĐB) QH tỉnh Phú Yên) thể hiện sự đồng tình với đề xuất trên của Chính phủ. Theo ông, GĐTP là một công việc khó, phức tạp và đụng chạm, do vậy thường có tâm lý né tránh, đùn đẩy giữa các cơ quan có chức năng giám định cũng như của bản thân những người tham gia giám định.

“Trong năm năm (2013-2018), lĩnh vực tài chính chỉ trưng cầu giám định 241 vụ việc nhưng có tình trạng chậm, né tránh, đùn đẩy… Tôi nghĩ KTNN có đầy đủ các điều kiện tham gia vào việc giám định này để cho một kết luận mang tính khách quan, chính xác” - ông Học nói.

Cạnh đó ông Học cũng đặt câu hỏi về tính khách quan của kết luận giám định, khi vụ việc xảy ra trong lĩnh vực của Bộ Tài chính, sau đó lại trưng cầu giám định thuộc Bộ Tài chính. “Giữa hoạt động kiểm toán và GĐTP có điểm chung là đòi hỏi tính độc lập, tính khách quan và tuân theo pháp luật. Tôi rất ủng hộ với việc bổ sung KTNN tham gia GĐTP” - ông Học nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cũng là người ủng hộ đề xuất trên. Tuy nhiên, ông đề nghị cần bổ sung thêm một số trách nhiệm của KTNN liên quan đến nhiệm vụ mới này vào luật.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (ĐBQH tỉnh Phú Yên) phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: QH

Nhiều đại biểu không đồng tình

Một số ĐBQH lại không đồng tình với đề xuất nói trên của Chính phủ. ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu thực tế Bộ Tài chính đã bổ nhiệm hơn 1.700 giám định viên tư pháp và công nhận 146 người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực giám định tài chính.

Theo ông Tín, số vụ việc giám định trong lĩnh vực tài chính được trưng cầu trong những năm qua không nhiều, như vậy nguồn nhân lực trên đã đáp ứng tốt nhiệm vụ đặt ra. Ông cũng lo ngại nếu giao cho KTNN nhiệm vụ mới này sẽ phát sinh biên chế, kinh phí tổ chức bộ máy...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (ĐBQH tỉnh Bình Dương), cho rằng mở rộng thẩm quyền cho các cơ quan, tổ chức phải theo nguyên tắc về tổ chức bộ máy.

“Đảng đã có chủ trương một việc chỉ do một cơ quan làm. Nếu cứ vì khó khăn, đảm bảo tính độc lập, tính khách quan và thực tiễn giải quyết khó khăn mà chúng ta cơi nới thẩm quyền sẽ không ổn về mặt tổ chức bộ máy” - ông Hồng nhấn mạnh.

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH tỉnh Bến Tre) nói nhân lực của cơ quan kiểm toán đã phải tập trung vào hàng ngàn công việc, hàng ngàn nhiệm vụ trong một năm. Do vậy, việc giao thêm cho KTNN nhiệm vụ giám định là không nên, không cần thiết.

“Vòng khép kín” của VKSND Tối cao

Một nội dung khác cũng được nhiều ĐBQH thảo luận liên quan đến quy định của dự thảo, đó là giao Phòng Giám định kỹ thuật hình sự VKSND Tối cao thực hiện chức năng GĐTP. Các ĐBQH đang hoặc từng công tác trong ngành kiểm sát đều đồng tình với đề xuất này.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho hay hiện có ba cơ quan điều tra chuyên trách, gồm cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và VKSND Tối cao. Trong đó Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đều tổ chức đơn vị kỹ thuật hình sự để thực hiện GĐTP và các công tác chuyên môn, nghiệp vụ khác. Riêng VKSND Tối cao có Phòng Giám định kỹ thuật hình sự để phục vụ điều tra nghiệp vụ nhưng chưa được bổ sung chức năng GĐTP.

Ông Dũng nói việc bổ sung chức năng giám định cho Phòng Giám định kỹ thuật hình sự không làm phát sinh tổ chức bộ máy. Hơn nữa, từ ngày 1-1-2020, khi thực hiện quy định của BLTTHS về ghi âm, ghi hình trong hoạt động tố tụng, đặc biệt trong hỏi cung bị can trong phạm vi cả nước sẽ phát sinh yêu cầu về giám định âm thanh và hình ảnh với số lượng rất lớn. Trong khi hiện tại cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thực hiện giám định về lĩnh vực này sẽ dẫn đến quá tải.

Ông Dũng cũng lo ngại một số trường hợp yêu cầu ngành công an giám định sẽ “không thuận lợi, kéo dài, thậm chí khó mà khách quan” nếu đối tượng giám định là các điều tra viên, cán bộ điều tra ngành công an.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng lại đề nghị “cân nhắc” quy định này. Theo ông, giao nhiệm vụ phải có biên chế, do vậy ý kiến khẳng định không tăng biên chế là không chính xác. Quan trọng hơn, phân tích về nguyên tắc giám sát quyền lực, ông cho rằng nếu giao cho VKS GĐTP thì thành “vòng khép kín” trong lĩnh vực này. “Hiện vẫn đặt vấn đề cơ quan điều tra của VKS thì ai sẽ kiểm sát hoạt động điều tra này. Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề đó, bây giờ thành lập thêm một phòng GĐTP để làm việc GĐTP, tôi nghĩ có đúng với nguyên tắc kiểm sát quyền lực hay không?” - ông băn khoăn.

“Kỳ án” gỗ trắc Quảng Trị lại được nhắc tên

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị bổ sung quy định giám định viên tư pháp và tổ chức giám định có nghĩa vụ từ chối giám định khi nội dung trưng cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không đủ năng lực, điều kiện thực hiện giám định. Hoặc nếu không, ĐB này đề nghị phải quy định nội dung này thành điều cấm của luật.

Ông Thắng dẫn lại “kỳ án” buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị và cho rằng trong vụ án này cơ quan điều tra đã trưng cầu một cơ quan giám định không có chuyên môn, không có điều kiện để thực hiện. Theo ông, trường hợp này lẽ ra cơ quan này phải có nghĩa vụ từ chối giám định nhưng họ lại tự ý mời cơ quan khác không có chức năng GĐTP để phối hợp giám định.

ĐB Thắng cho rằng cùng với những sai lầm nghiêm trọng, không tuân thủ các quy định, cơ quan này đã làm sai lệch hoàn toàn bản chất sự thật khách quan của vụ việc. Tòa án đã căn cứ vào bản kết luận giám định vi phạm nghiêm trọng pháp luật này để buộc tội các bị cáo… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm