11 NS Philippines ra nghị quyết lên án TQ bá quyền ở Biển Đông

Trong Nghị quyết 708 đưa ra ngày 27-3, một nhóm thượng nghị sĩ đối lập Philippines đã cáo buộc Bắc Kinh "đang len lỏi bá quyền" ở Biển Đông thông qua những gì họ mô tả là sự hiện diện bất hợp pháp của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila, theo tờ Benar News.

11 thượng nghị sĩ, hầu hết là những người chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte, đã đưa ra Nghị quyết 708 nhằm vào sự hiện diện kéo dài của các tàu Trung Quốc trong vùng biển ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bất chấp nhiều phản đối ngoại giao của Bộ Ngoại giao Philippines trong tháng này.

Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu trong ảnh chụp vệ tinh ngày 23-3. Ảnh: MAXAR

Theo nghị quyết, việc Trung Quốc công khai coi thường Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS) và phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, cũng như mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đã gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp và các quyền hàng hải hợp pháp của các quốc gia nhỏ hơn như Philippines.

Phán quyết của Tòa trọng tài 2016 khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với các vùng biển trong "đường chín đoạn" là trái với UNCLOS và Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" ở các vùng biển ở Biển Đông.

Các quan hệ ngoại giao chặt chẽ giữa hai nước và việc Manila chấp nhận trợ giúp kinh tế từ Bắc Kinh "không nên bị hiểu lầm là sự chấp nhận quyền bá chủ đang len lỏi của Trung Quốc đối với khu vực và đất nước của chúng ta" - các thượng nghị sĩ nhấn mạnh.

Hôm 27-4, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Franklin Drilon đã kêu gọi tổng thống hợp tác cùng các nước láng giềng và đồng minh của đất nước để thành lập một mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh và các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Chúng ta nên kêu gọi các quốc gia khác đối đầu với Trung Quốc, bao gồm cả các đồng minh của chúng ta - Mỹ, Nhật và Úc. Chúng ta phải đoàn kết chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông" - ông Drilon nói với các phóng viên, đề cập sự hiện diện kéo dài hàng tuần của các tàu Trung Quốc trong vùng biển mà nước này xem là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

Người phát ngôn của Tổng thống Duterte - ông Harry Roque cho biết ông Duterte tôn trọng quan điểm của 11 nhà hoạch định chính sách của đất nước.

Tuần trước, Tổng thống Duterte cho biết ông sẽ cử tàu quân sự vào các khu vực tranh chấp nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu và khoáng sản.

Hôm 27-4, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của BenarNews.

Hai tuần trước, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông) báo cáo các cuộc tuần tra của chính phủ đã phát hiện khoảng 240 tàu Trung Quốc trong vùng biển Philippines có tranh chấp - nhiều hơn 220 chiếc được phát hiện vào tháng 3.

Vào giữa tháng 4, lực lượng đặc nhiệm cho biết chín tàu vẫn đang hiện diện tại Bãi đá ngầm Julian Felipe (ở đá Ba Đầu). Trung Quốc trước đó tuyên bố rạn san hô là một phần lãnh thổ của mình.

Lực lượng đặc nhiệm đưa tin các tàu và thuyền của Trung Quốc cũng được phát hiện ở các khu vực khác trên Biển Đông, bao gồm cả đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép).

Các lực lượng tuần tra của Philippines cũng đã nhìn thấy các tàu hải quân Trung Quốc rải rác ở các bãi đá trên Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm