Ông Lý Hiển Long: 'Cuộc chiến chống khủng bố còn lâu mới kết thúc'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài bình luận đánh dấu 20 năm xảy ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói cuộc chiến chống khủng bố "còn lâu mới kết thúc", kênh Channel News Asia đưa tin.

Cuộc chiến chống khủng bố "còn lâu mới kết thúc"

"Chủ nghĩa khủng bố cực đoan đã lan rộng. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã khuếch đại sự độc hại" - theo ông Lý.

"Al-Qaeda được Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) kế tục. Tổ chức này đã mất lãnh thổ nhưng vẫn tiếp tục hoạt động, kể cả trên mạng. Những kẻ tấn công đơn độc đã tự cực đoan hóa trên internet"  - ông nói thêm.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: REUTERS

Ông Lý nhấn mạnh việc năm nay tại Singapore, các nhà chức trách đã bắt giữ hai thanh niên Singapore đang chuẩn bị các cuộc tấn công đơn độc. Một người nhằm vào giáo đường Do Thái, người kia ở nhắm mục tiêu vào một nhà thờ Hồi giáo.

Ông nói: "Và bây giờ khi Mỹ đã rời khỏi Afghanistan, chúng tôi sẽ phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở đó tiến triển như thế nào, liệu các nhóm ở Afghanistan có đe dọa đến an ninh của chúng tôi hay không và những mặt trận khủng bố mới có thể xuất hiện ở đâu".

Đồng thời, ông Lý cũng cho biết sự hòa hợp chủng tộc của Singapore vẫn đang được tiến hành.

"Chúng ta phải tiếp tục đưa tất cả các cộng đồng lại gần nhau hơn và phải điều chỉnh sự cân bằng mong manh mà các cộng đồng khác nhau đã đạt được" - ông nói.

Ký ức về sự kiện 20 năm trước

Trong bài bình luận, ông Lý kể về việc ông được Giáo sư S Jayakumar, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thông báo về vụ tấn công của Al-Qaeda.

Ngay sau đó, Singapore đã phát hiện ra một tổ chức khủng bố có chung hệ tư tưởng và có liên hệ trực tiếp với Al-Qaeda ở Afghanistan - nhóm Jemaah Islamiyah (JI).

Ngày 11-9-2001, các thành viên JI đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công bằng bom cùng lúc vào nhiều mục tiêu ở Singapore, bao gồm cả Đại sứ quán Mỹ và các công trình phương Tây khác, nhưng họ đã bị Bộ An ninh Nội bộ (ISD) ngăn chặn kịp thời.

Trên bình diện quốc tế, Singapore đã hợp tác với các nước khác để chia sẻ thông tin tình báo và "chống lại một tai họa chung". Lực lượng Vũ trang Singapore đã tham gia vào Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế ở Afghanistan, và đóng góp vào Liên minh Toàn cầu đánh bại ISIS ở Iraq.

Nguy cơ vẫn hiện diện ở Đông Nam Á

Theo ông Lý, trong khi các nhóm khủng bố ở những nơi xa xôi này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Singapore, thì "chủ nghĩa khủng bố lại là mối đe dọa lớn hơn đối với sự tin cậy lẫn nhau và sự gắn kết xã hội của đất nước".

Sau hàng loạt sự kiện như vậy, những người không theo đạo Hồi ở Singapore đã trở nên sợ hãi và nghi ngờ những người hàng xóm, đồng nghiệp và bạn bè Hồi giáo của họ, ông Lý nói.

Ông cho biết trong suốt 20 năm qua, Singapore đã tiến hành nhiều hoạt động gắn kết mọi người nhằm tránh tình trạng chia rẽ trong đất nước.

Ông Lee nói rằng điều này rất quan trọng vì mối đe dọa là có thật và đang tiếp diễn. Ông cũng liệt kê các cuộc tấn công và đe dọa kể từ đó, bao gồm các vụ đánh bom ở Bali, các cuộc tấn công ở Jakarta, Kuala Lumpur và Bangkok, và cuộc vây hãm ở TP Marawi thuộc miền Nam Philippines.

Theo ông, Singapore vẫn đang là mục tiêu khủng bố hàng đầu. Nhiều lần, những kẻ khủng bố đã lên kế hoạch cho các cuộc tấn công vào nước này, bao gồm một vụ cướp và đâm một máy bay vào tháp điều khiển của Sân bay Changi, và một vụ phóng tên lửa khác nhằm vào khu phức hợp giải trí Marina Bay Sands.

Ông Lý nói: "Cái giá của an ninh là sự cảnh giác vĩnh viễn. Cái giá của sự hòa hợp là nỗ lực không ngừng để duy trì và hiện thực hóa đầy đủ hơn lý tưởng lập quốc của Singapore là trở thành một dân tộc, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo".


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm