Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 2-3 đã tiến hành bỏ phiếu và thông qua nghị quyết "yêu cầu" Nga "ngay lập tức" rút quân khỏi Ukraine, trong bối cảnh đại đa số các quốc gia trên thế giới đang chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Theo hãng tin AFP, sau hơn 2 ngày tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều, 141 trên 193 quốc gia thành viên LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết trên.
Trung Quốc nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 5 quốc gia gồm Eritrea, CHDCND Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga bỏ phiếu chống.
Theo đó, bản nghị quyết của LHQ phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga "bằng những cụm từ mạnh mẽ nhất" và lên án quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong lúc quân đội Nga đang tiếp tục các hoạt động quân sự của mình ở Ukraine. “Họ đến để tước đoạt quyền tồn tại của Ukraine” - Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Các thành viên của Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu biểu quyết nghị quyết trong phiên họp tại trụ sở LHQ vào ngày 2-3 ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP
Trước đó, vào ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Chính quyền Moscow sau đó giải thích hành động của mình là nhằm bảo đảm "quyền tự vệ" được đề ra ở Điều 51 của Hiến chương LHQ.
Tuy nhiên, tuyên bố của Nga đã bị các nước phương Tây bác bỏ hoàn toàn, cáo buộc Moscow vi phạm Điều 2 của Hiến chương LHQ, yêu cầu các thành viên kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng.
Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ Olof Skoog cho biết cuộc bỏ phiếu "không chỉ về Ukraine", mà còn bao gồm “việc bảo vệ một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã ký kết”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết thông điệp của Đại hội đồng là "kịch liệt và rõ ràng", nhấn mạnh rằng Nga "hãy chấm dứt các hành động quân sự của mình ở Ukraine”.
"Tình hình đang rất tồi tệ đối với người dân Ukraine lúc này, nó có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Đồng hồ đang đếm ngược như một quả bom hẹn giờ” - ông Guterres nói.
Phái đoàn Nga (trái) và phái đoàn Ukraine (phải) trong vòng đàm phán đầu tiên hôm 28-2. Ảnh: RT
Gần như mọi đại diện các nước có mặt ở cuộc họp Đại hội đồng đều lên án chiến dịch quân sự của Nga một cách thẳng thắn, theo AFP.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield cho biết mục đích duy nhất của LHQ đó là chống lại chiến tranh.
Tuy nhiên, đồng minh của Nga là Belarus tiếp tục ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Đại sứ Belarus tại LHQ Valentin Rybakov cho rằng chính các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga là "ví dụ tồi tệ nhất về khủng bố kinh tế và tài chính”.
Ông cùng các đồng minh khác của Nga như Syria lên án "tiêu chuẩn kép" của các quốc gia phương Tây vì đã tấn công các nước như Libya, Iraq và Afghanistan trong những thập kỷ gần đây.
Nhật và New Zealand dẫn đầu sự lên án từ các nước châu Á, nhưng những cường quốc của châu lục này là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đều bỏ phiếu trắng. Trong cuộc tranh luận của Đại hội đồng, Bắc Kinh nhấn mạnh thế giới "không thu được gì" từ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.