Nhật Bản bắt tay với liên minh tình báo Five Eyes

Theo kênh Nikkei, Nhật Bản (NB) đang thắt chặt mối quan hệ với liên minh tình báo five eyes trong bối cảnh Trung Quốc (TQ) mở rộng sức mạnh quân sự và hoạt động thu thập thông tin ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Five Eyes là liên minh chia sẻ thông tin và dữ liệu tình báo lâu đời nhất và thành công nhất trên thế giới. Được hình thành sau Thế chiến II, liên minh bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand (thuật ngữ Five Eyes bắt nguồn từ cụm từ “AUS/CAN/NZ/UK/US EYES”, nghĩa là thông tin được chia sẻ giữa năm thành viên).

Five Eyes và Nhật Bản trong tư thế “cần có nhau”

NB đã có một lịch sử hợp tác lâu dài với Five Eyes trong lĩnh vực tình báo trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - đến mức các nhà phân tích đã xếp quốc gia này, một cách không chính thức, trở thành “Con mắt thứ sáu” của Five Eyes.

Các cuộc trò chuyện với giới chức Five Eyes, cả quá khứ và hiện tại, cho thấy rõ ràng NB sẽ rất được hoan nghênh trở thành thành viên chính thức. Thật khó để tìm ra ai phù hợp hơn NB trong việc thu thập thông tin tình báo ở những nơi như biển Đông, biển Hoa Đông cũng như ở TQ và bán đảo Triều Tiên. NB cũng có thể chia sẻ gánh nặng với Úc và New Zealand trong việc thực hiện tình báo ở Đông Nam Á.

Chính NB cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi có thể góp phần thiết lập chương trình nghị sự cho các hoạt động tình báo chung. Nó sẽ mở rộng cơ hội xây dựng khả năng tương tác của các hệ thống phòng thủ với Mỹ và “năm con mắt” còn lại. Đồng thời, NB có thể được tích hợp vào một mạng lưới hợp tác công nghiệp quốc phòng như NTIB.

Pháp và Đức được yêu cầu tham gia vào năm 2009, tuy nhiên cả hai đều từ chối. Phần lớn là vì hai quốc gia này sợ rằng các hoạt động tình báo của họ bên ngoài Five Eyes có thể bị xâm phạm. Nhưng NB thì khác. Lập trường mới chủ động hơn của NB trên trường thế giới khiến cho mọi đề nghị tham gia sẽ được xem xét thuận lợi hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Abe nỗ lực đưa Nhật Bản gia nhập liên minh tình báo Five Eyes. Ảnh: NIKKEI

Vậy điều gì cần thiết để NB tham gia? Một đề cử của Tổng thống Donald Trump sẽ là một bước quan trọng nhưng không đủ nếu không có sự chấp thuận của các thành viên khác. Các thành viên Five Eyes sẽ cần phải yên tâm về khả năng của NB trong việc xử lý luồng dữ liệu tình báo, như một phần của các chính sách rộng lớn hơn về an ninh công nghiệp quốc phòng.

Theo nhiều nhà quan sát, NB xứng đáng là “Con mắt thứ sáu” và Five Eyes cũng đạt được nhiều lợi ích từ tư cách thành viên của NB. Và điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe. Đối với ông Trump, điều này sẽ làm tăng đáng kể đòn bẩy của ông trong việc đối phó với TQ. Còn đối với ông Abe, tư cách thành viên chính thức sẽ mang lại cho ông vòng nguyệt quế với tư cách là thủ tướng quan trọng nhất của NB trong thời kỳ hậu chiến.

Chính quyền Mỹ hiện lo ngại rằng bằng cách cho phép Huawei phát triển các thiết bị công nghệ 5G, Anh đang gây nguy hiểm cho vị thế của mình, vốn là một đối tác chia sẻ thông tin tình báo thân thiết nhất của Mỹ và là một thành viên của nhóm Five Eyes. 

Chung mối lo về Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters, từ đầu năm 2018, Five Eyes đã trao đổi thông tin mật về hoạt động của TQ cho những quốc gia có cùng mối quan tâm. Việc mở rộng hợp tác Five Eyes cho thấy mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng đơn thân độc mã đấu với TQ nhưng thành viên trong chính quyền của ông vẫn đang nỗ lực tạo ra một liên minh đối phó với cường quốc châu Á mới nổi này một cách âm thầm.

TQ những năm gần đây không ngừng mở rộng đầu tư và hoạt động ra nhiều quốc gia, làm dấy lên mối lo ngại can thiệp gây ảnh hưởng cho chính phủ các nước. Lần lượt Úc, Đức và Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh cố gắng can thiệp, đầu tư mang mục đích chính trị.

“Chúng tôi đang tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác cùng chí hướng về cách ứng phó với chiến lược quốc tế quyết đoán của TQ” - một quan chức Mỹ tiết lộ sau cuộc họp giữa các nước trong liên minh tình báo năm 2018. Động thái này cũng dập tắt ý định lôi kéo các quốc gia châu Âu đứng về phía mình chống Mỹ của Bắc Kinh, nhất là khi chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump gây cảm giác bất an ở châu Âu.

TQ cho đến giờ vẫn phủ nhận các cáo buộc họ đang tìm cách gây ảnh hưởng đến các chính phủ nước ngoài và các khoản đầu tư đều có mục đích chính trị. Dù vậy, nhiều nước đã tiến hành các biện pháp hạn chế đầu tư của Bắc Kinh vào những công ty công nghệ nhạy cảm và điều mà họ gọi là chiến dịch gây ảnh hưởng của TQ lên các chính phủ, xã hội ở nước ngoài.

Thành công trong Chiến tranh lạnh và chống khủng bố

Liên minh Five Eyes đã hoạt động rất thành công trong Chiến tranh lạnh trong việc thu thập và chia sẻ dữ liệu liên quan đến Liên Xô. Liên minh này đã hồi sinh mạnh mẽ sau sự kiện khủng bố tại Mỹ ngày 11-9-2001 và kéo dài trong suốt cuộc chiến chống khủng bố từ đó đến nay. Liên minh cũng xác định thông tin hoặc dữ liệu nào sẽ được chia sẻ với các nước bên thứ ba, các thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc với các đồng minh đáng tin cậy như NB và Hàn Quốc.

Trở thành thành viên của Five Eyes là một bước quan trọng trong việc xây dựng khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang của các thành viên, đặc biệt là Mỹ, cho phép hợp tác liền mạch trong các hoạt động quân sự chung. Nó cũng tạo điều kiện cho việc bảo mật chung của các mạng lưới. Ba thành viên của liên minh gồm: Anh, Úc và Canada cũng là thành viên của Cơ sở Công nghệ và Công nghiệp quốc gia Mỹ (NTIB) - chuỗi cung ứng toàn cầu của Lầu Năm Góc. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm