Dân số Việt Nam đang già nhanh: ‘Chưa giàu thì đã già’

Theo báo cáo của ThS-BS Hồ Sĩ Dũng và GS-TS-BS Nguyễn Đức Công (Bệnh viện Thống Nhất) tại Hội thảo quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ diễn ra tại TP.HCM ngày 7-4, già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng có trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Theo dự đoán của Liên hợp quốc, số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8,65 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành xã hội già. Điều này mang đến những thách thức lớn, đòi hỏi có chính sách thích hợp và sự thay đổi hành vi để đón đầu xu thế già hóa dân số. 

Cũng trong nội dung báo cáo, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Quá trình già hóa dân số tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và nhanh nhất châu Á. 

Thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam chỉ khoảng 18-20 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước như Pháp 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 70 năm, Nhật Bản 26 năm...

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội thảo quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ. Ảnh: HL

Với tốc độ già hóa nhanh chóng như vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tình trạng “chưa giàu thì đã già”, tức chưa tích lũy được gì về kinh tế thì đã bước vào giai đoạn cao tuổi.

Dự báo 40 năm nữa, cứ 3 người cao tuổi thì chỉ có một người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi), giống Nhật Bản ở thời điểm hiện tại. Già hóa dân số có nhiều nguyên nhân như giảm tỉ suất sinh, giảm tỉ lệ tử vong và chính sách chăm sóc sức khỏe giúp gia tăng tuổi thọ. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặt ra vấn đề dù tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng nhanh (hiện đạt 73,6 tuổi) nhưng lại sống không khỏe. “Số năm sống với bệnh tật của hai giới trung bình từ 8-11 năm, cao hơn nhiều nước khác. Do đó, cần phải có hỗ trợ xã hội cho người cao tuổi dưới hình thức tiếp cận an toàn với thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý, thuốc men và tiền bạc cũng như hỗ trợ xã hội và tâm lý, đảm bảo cho người cao tuổi được khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ” - BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em – Bộ LĐ-TB&XH nêu. 

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết 70% nguyên nhân tử vong của người dân Việt Nam là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó bệnh tim mạch đứng đầu, kế tiếp là ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đái tháo đường... Đa phần người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ nên cơ hội chữa trị không cao.

Bên cạnh đó, các cơ sở phục hồi chức năng giúp người bệnh quay lại cuộc sống bình thường, hệ thống điều trị giảm nhẹ bệnh lý ung thư và các bệnh lý hiểm nghèo còn hạn chế, các khoa dinh dưỡng mới bắt đầu phát triển... Thời gian qua, BHYT đã bao phủ 90% dân số nhưng mệnh giá thấp, chỉ đủ khám chữa bệnh thông thường.  

Do vậy, khi tuổi thọ người dân càng cao thì cần phải tiếp tục đổi mới hệ thống y tế, tăng cường dự phòng phát hiện bệnh sớm, không đợi có bệnh mới điều trị. Song song đó là hướng dẫn dự phòng, chăm sóc nâng cao sức khỏe, có cơ chế giá dịch vụ y tế, hỗ trợ người nghèo và cận nghèo...

Hội thảo Khoa học quốc gia thường niên về sức khỏe và tuổi thọ với chủ đề năm 2021 “Sức khỏe và tuổi thọ con người trong nền văn minh nhân loại ngày nay” do Viện Triết học phát triển cùng Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Bệnh viện Thống Nhất, Hội Khoa học nhân tài nhân lực Việt Nam phối hợp tổ chức. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm