Tạm giữ hình sự hàng loạt cán bộ Trung tâm đăng kiểm tỉnh Nghệ An

(PLO)- Theo điều tra ban đầu, tiền nhận hối lộ được giám đốc và phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An bàn bạc thống nhất chung chi theo tỷ lệ nhất định.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều tối 6-2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã tạm giữ hình sự 13 người để điều tra hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An.

Trung tâm này có hai cơ sở gồm cơ sở 37-01S có địa chỉ tại TP Vinh, Nghệ An và cơ sở 37-02S đóng tại thị xã Thái Hòa, Nghệ An.

Trụ sở Chính Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM

Trụ sở Chính Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM

Trong 13 người bị tạm giữ có ba lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An gồm ông Nguyễn Quý Khánh (56 tuổi)- Giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Trinh Tài (54 tuổi)- Phó Giám đốc và ông Nguyễn Viết Đức (54 tuổi)- Phó Giám đốc.

Ngoài ba lãnh đạo nêu trên còn có 4 trưởng các phòng kiểm định, nghiệp vụ và 3 nhân viên đăng kiểm thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An. Ba người có hành vi môi giới cũng đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.

Như đã đưa tin, từ ngày 4-2 đến 6-2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khám xét hai cơ sở 37-01S và 37-02S của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Nghệ An (thuộc Sở GTVT tỉnh Nghệ An).

Ông Nguyễn Quý Khánh. Ảnh: CA.

Ông Nguyễn Quý Khánh. Ảnh: CA.

Từ 4 đến 6-2, các tổ công tác của Công an tỉnh Nghệ An cũng khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Khánh, ông Tài, ông Đức (cùng trú TP Vinh)…thu giữ các tài liệu liên quan.

Theo Công an tỉnh Nghệ An, quá trình điều tra bước đầu xác định, trưởng dây chuyền đăng kiểm là các đăng kiểm viên bậc cao và bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu, thu tiền lệ phí khám xe ô tô. Những người này móc nối với một số “cò” để nhận các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đến đăng kiểm.

Sau đó, “cò” thỏa thuận thống nhất với trưởng dây chuyền là người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động đăng kiểm để bỏ qua các lỗi như: Không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, cơi nới thành, thùng xe, lốp xe mòn, phanh xe không đảm bảo, đèn xe không đúng quy định…

Ông Nguyễn Viết Đức bị bắt giữ. Ảnh: CA.

Ông Nguyễn Viết Đức bị bắt giữ. Ảnh: CA.

Tùy vào lỗi vi phạm, ngoài tiền thu theo quy định của nhà nước thì trưởng dây chuyền thống nhất với “cò” để nhận tiền hối lộ và bỏ qua các lỗi trên để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cho phương tiện cơ giới đường bộ, số tiền từ 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng cho một phương tiện.

Đối với các phương tiện muốn được làm thủ tục đăng kiểm nhanh hoặc mắc các lỗi đơn giản thì phải nộp ít nhất 200 ngàn đồng/phương tiện.

Tiền hối lộ được “cò” kẹp vào các giấy tờ liên quan và đưa cho các đăng kiểm viên. Ngoài ra, bộ phận kiểm tra hồ sơ ban đầu còn móc nối với “cò” để nhận hối lộ từ các chủ xe số tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng để bộ phận hồ sơ bỏ qua các lỗi như: thiếu đăng ký gốc, thiếu giấy hẹn của CSGT, thiếu giấy thế chấp ngân hàng

Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An xác định, toàn bộ số tiền nhận hối lộ được Khánh, Đức và Tài bàn bạc thống nhất chung chi theo tỷ lệ nhất định tùy theo chức năng, vị trí công việc cho cán bộ nhân viên của Trung tâm đăng kiểm, định kỳ 2 tuần/1 lần.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy