TCM tăng vì truyền thông yếu kém

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định như vậy tại cuộc gặp báo chí nhằm phối hợp tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi diễn ra chiều 25-10, tại Hà Nội.

Bộ Y tế dự báo dịch tay-chân-miệng (TCM) tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số mắc và tử vong do bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu… Bộ Y tế cũng thừa nhận công tác truyền thông chưa được tập trung và đi trước dự phòng, điều trị bệnh. Các biện pháp truyền thông chưa đúng đối tượng và người dân chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế.

TCM tăng vì truyền thông yếu kém ảnh 1

Các bé luôn được hướng dẫn rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non tư thục Bình Minh, quận 3). Ảnh: PHẠM ANH

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Sở dĩ số ca mắc TCM trong cả nước vẫn tăng cao một phần do công tác tuyên truyền chưa trúng đích. Truyền thông chủ yếu đưa tin diễn biến về tình hình dịch bệnh, còn biện pháp phòng, chống lại chỉ nói qua loa. Cách phòng, chống TCM hiệu quả nhất là rửa tay bằng xà phòng nhưng công tác này chưa được tuyên truyền một cách cụ thể. Bà Tiến lấy ví dụ: “Trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi nói về dịch TCM, báo, đài chỉ đưa hình ảnh các cháu bé đang được điều trị, mặt mũi, chân tay nổi mụn, còn không thấy báo nào đưa ra thông điệp phải rửa tay bằng xà phòng sẽ hạn chế dịch bệnh. Như thế chỉ tuyên truyền phần ngọn, còn vấn đề gốc lõi thì chẳng đả động tới”. Theo bà Tiến, hiện có bốn tỉnh làm rất tốt công tác truyền thông đẩy lùi dịch bệnh TCM là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu. Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tăng cường nguồn lực, đầu tư kinh phí cho truyền thông phòng, chống TCM. Phê duyệt kinh phí cho tập huấn báo chí về tuyên truyền phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Trước câu hỏi tại sao Bộ Y tế không công bố dịch, bà Tiến trả lời: “Chỉ công bố dịch khi không có khả năng kiểm soát. Trong khi đó, tất cả các tỉnh vẫn đang kiểm soát được dịch. Vả lại khi công bố dịch, tất cả các ngành đều đặt trong tình trạng khẩn cấp, ngành du lịch, xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Khách du lịch ra vào sẽ phải làm xét nghiệm, lấy máu, lấy phân…, như vậy rất phức tạp. Các nước xung quanh Việt Nam bị TCM nặng nề hơn chúng ta nhiều nhưng chưa có nước nào công bố dịch…”.

Bộ trưởng khẳng định thời gian tới, dịch bệnh TCM sẽ còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sự phát triển của bệnh có quá tầm hay không phụ thuộc vào các địa phương, bởi nếu áp dụng đúng, đủ biện pháp phòng, chống TCM thì số ca mắc sẽ giảm. Bộ Y tế kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các công lệnh của Chính phủ về TCM. Các cơ quan truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đưa tin kịp thời, tuyên truyền về dịch bệnh để người dân có ý thức trong việc phòng, chống.

Theo điều tra của Viện Pasteur TP.HCM, trong số 100 trường hợp mắc TCM tại năm tỉnh, thành phố TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre cho thấy tỉ lệ ở nhà không đi học là 77%; đi trẻ công lập là 20%; đi nhà trẻ tư nhân là 1,71%; nhóm trẻ gia đình là 0,85%. Các trường hợp mắc và tử vong do TCM tập trung chủ yếu tại miền Nam (chiếm 65,1% số mắc và 89,1% số tử vong cả nước). Tuy nhiên, từ tuần thứ 29 đến nay, số ca mắc tại các tỉnh phía Nam có xu hướng giảm dần, trong khi số ca ở phía Bắc lại tăng, chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Hải Dương. Cho đến nay, ngành y tế chưa phát hiện có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học và nhà trẻ. Các trường hợp tử vong chủ yếu ở trẻ em nam (70%), dưới ba tuổi chiếm 82%.

MINH HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm