Thức ăn đường phố sạch: Chẳng ai làm!

Tại một số khu vực tập trung nhiều người bán hàng rong như: Trước cổng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế, Công viên Lê Thị Riêng (quận 10), Công viên 23-9 (quận 1)…, tất cả đều không có gì thay đổi từ khi Thông tư 30/2012 của Bộ Y tế (về điều kiện an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố)có hiệu lực.

Sáng 21-1, đứng quan sát một lúc tại BV Bình Dân, BV 115, PV thấy những người buôn bán ở đây đều đặt gánh thức ăn trực tiếp xuống đất. Họ có dùng bao tay để cầm thức ăn nhưng bao này được xài đi xài lại nhiều lần. Có nhiều người mới vừa lấy thức ăn cho khách xong chưa kịp tháo bao tay đã… cầm tiền của khách đưa (!). Một số người thì dùng tay không bốc thức ăn bán cho khách.

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Bình Định) bán bánh tráng trộn trước cổng BV 115 cho biết: “Tôi bán hàng ở đây hơn 10 năm giờ mới nghe chuyện “thực phẩm chín phải để trong tủ kính, chống được bụi bặm, côn trùng; người bán hàng phải tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm và được cấp giấy chứng nhận tập huấn…”. Không chỉ có mỗi tôi mà hầu hết người buôn bán ở đây đều không thể làm được như thế. Bởi lẽ các nguyên liệu chế biến đều được người khác làm sẵn, tôi mua lại thì làm sao có hóa đơn. Tụi tôi đi từ lúc 3 giờ sáng để lấy hàng, bán đến khi nào hết mới về tới nhà. Khi ấy đã 10 giờ tối, còn đâu thời gian mà đi tập huấn, khám sức khỏe”.

Thức ăn đường phố sạch: Chẳng ai làm! ảnh 1

Chỉ với một bao tay, chị bán bún xào trước cổng BV 115 đã bán cả chục hộp cho khách hàng. Ảnh chụp lúc 9 giờ 30 ngày 21-1. Ảnh: MINH QUÝ

Bà Đặng Thị Loan (quê Quảng Ngãi) bán bún xào trước Công viên Lê Thị Riêng đã 20 năm nay cũng “chưa hề nghe nói chuyện tập huấn, bảo quản thức ăn ngay”. “Tôi toàn lấy đồ ở chợ, cũng không rõ nguồn gốc. Hôm nay tôi lấy ở nơi này, mai lấy ở nơi khác, chỗ nào rẻ hơn thì tôi tới” - bà Loan thú thiệt.

Chị Nguyễn Thị Thanh bán cháo lòng tại Công viên Phú Lâm (quận 6) kể: “Từ tỉnh lên đây sinh sống, tôi mua một chiếc xe đẩy và vài cái ghế, ngồi bán cháo ở công viên này, khách chủ yếu là những người tập thể dục và người đi đường. Trước giờ tôi chẳng nghe ai phổ biến những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chiều nào tôi cũng ra chợ mua thịt, lòng heo, giá…, khuya dậy sớm nấu rồi đẩy đi bán. Tôi bán giá bình dân nên phải mua nguyên liệu giá rẻ mới có lời. Tôi thấy cháo cũng thơm, ngon nhưng có hợp vệ sinh không thì tôi không biết”.

Dọc theo đường Lê Quang Sung, Nguyễn Thị Nhỏ (gần Bến xe Chợ Lớn, quận 6) cũng có rất nhiều người buôn bán thức ăn nhanh và chẳng có người nào chịu đậy kỹ hay dùng bao tay.

Nhiều phường không biết

Mấy bữa trước tôi có nghe nói về thông tư này, đến giờ phường vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ UBND quận. Sắp tới, khi có chỉ đạo của UBND quận, phường sẽ thống kê số lượng người buôn bán thức ăn đường phố trên địa bàn phường. Trước mắt, phường sẽ họp những hộ có địa điểm buôn bán ổn định để giới thiệu quy định.

NGUYỄN THỊ THÙY HƯƠNG, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân)

Lúc trước, phường có phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm quận đến kiểm tra một số hộ kinh doanh thức ăn trong khu vực nhưng sau đó đoàn có xử phạt hay không thì phường không rõ. Về Thông tư 30/2012, phường chưa được quận hướng dẫn, triển khai nên phường cũng chưa làm gì.

NGUYỄN THỊ HUẾ PHƯƠNG, Chủ tịch UBND phường 8 (quận 6)

Trước đây, khi Quyết định 41/2005 của Bộ Y tế (quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống) có hiệu lực, phường có đi kiểm tra, nhắc nhở. Tuy nhiên, phường chưa xử phạt trường hợp nào theo Nghị định 91/2012 của Chính phủ. Do Thông tư 30/2012 ra đời trong thời điểm gần tết nên trước tiên phường sẽ đi tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ. Sau tết, phường sẽ có kế hoạch đi kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.

Ông NGUYỄN TẤN TÀI, Phó  Chủ tịch UBND phường 6 (quận 5)

MINH QUÝ - NGUYỄN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm