“Nhắm mắt” ký, xác nhận
Theo kết quả điều tra, Lập bị TAND tỉnh Đồng Nai tuyên phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng Lập trốn thi hành án. Năm 2005, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định truy nã. Trong thời gian trốn truy nã Lập quen với Đ. (sinh năm 1983, cùng xã Đông Lĩnh). Sau đó Lập dùng các giấy tờ giả như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, CMND, hộ khẩu có tên Nguyễn Bùi Thị Kim Oanh, sinh năm 1985 (nhỏ hơn tuổi thật 23 tuổi) để đăng ký kết hôn với Đ. Theo các giấy tờ này, Oanh có hộ khẩu thường trú tại đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Tháng 10-2009, cha Đ. đến UBND xã Đông Lĩnh đề nghị làm thủ tục đăng ký kết hôn cho Đ. - Oanh (là Lập). Sau đó ông này thông báo cho Đ. và Lập từ TP.HCM về làm thủ tục.
Theo hẹn, khi Đ. và Lập về nhà thì ông Nguyễn Xuân Bạch, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh, cùng ông Phạm Ngọc Khương (cán bộ tư pháp xã) đến giải quyết. Mặc dù lúc này là 17 giờ, đã quá giờ làm việc nhưng ông Bạch, ông Khương vẫn “nhiệt tình” mang sổ sách, giấy tờ cùng con dấu của xã đến tận nhà ông Đ. làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tại đây, ông Khương kiểm tra giấy tờ, viết giấy còn ông Bạch vào sổ theo dõi và ký tên, đóng dấu UBND xã rồi trao giấy. Ngay trong sáng hôm sau, Đ. và Lập trở lại TP.HCM làm ăn.
Sau đó cuối năm 2009, Lập mang giấy chứng nhận kết hôn và hộ khẩu đến Công an xã Đông Lĩnh làm thủ tục nhập hộ khẩu vào nhà chồng. Dù hồ sơ thiếu nhiều giấy tờ (chuyển hộ khẩu, thay đổi nhân khẩu) nhưng lãnh đạo Công an xã Đông Lĩnh vẫn giải quyết. Từ hộ khẩu này, Lập đề nghị Công an tỉnh Thái Bình cấp CMND với tên là Bùi Thị Kim Oanh (sinh năm 1985, hộ khẩu ở xã Đông Lĩnh).
Lý giải nhiều mâu thuẫn
Có những giấy tờ nêu trên, Lập đã tránh được sự truy nã trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay Lập đã bị bắt. Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Thái Bình cũng khởi tố thêm Lập về tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức, đồng thời chỉ rõ sự lỏng lẻo của các cán bộ liên quan, để Lập qua mặt nhiều cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM về việc Lập sinh năm 1962 nhưng khai năm 1985 mà vẫn “lọt”, ông Nguyễn Văn Chuyên - Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh nói: “Các cán bộ xã không gặp trực tiếp Lập nên không biết thực hư tuổi của Lập như thế nào. Các thủ tục đăng ký kết hôn đều do cha chồng Lập làm”.
Tuy vậy, ông Chuyên không lý giải vì sao việc ông Bạch (Phó Chủ tịch xã) và ông Khương (cán bộ tư pháp xã) có tham dự đám cưới của Đ. và Lập. Ngoài ra, kết luận điều tra xác định rõ hai ông này trực tiếp đến nhà Đ. kiểm tra, ký và trao tận tay giấy chứng nhận kết hôn cho đôi vợ chồng trên. Vậy nhưng ông Chuyên nói: “Việc cán bộ xã mang con dấu, sổ sách đến tận nhà dân làm thủ tục là việc làm giúp người dân. Rất nhiều lần cán bộ xã đã đến trao giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp vợ chồng tại nơi làm thủ tục hôn lễ như thế”.
Tương tự, ông Phạm Văn Đồng, Trưởng Công an xã Đông Lĩnh, nói: “Đ. là cháu của một lãnh đạo xã nên chúng tôi tin tưởng. Tôi ký xác nhận làm CMND cho rất nhiều người, không thể nào kiểm tra từng hồ sơ được. Tôi dựa vào sổ hộ khẩu thấy hợp lý thì ký”.
Nể nang, không vụ lợi nên không kỷ luật Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Thái Bình đề nghị Đảng ủy xã Đông Lĩnh có hình thức xử lý ông Nguyễn Ngọc Bạch (Phó Chủ tịch UBND xã), ông Phạm Ngọc Khương (cán bộ tư pháp xã) và hai ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thanh Tùng lần lượt là trưởng, phó Công an xã Đông Lĩnh. Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Chuyên - Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh cho biết lãnh đạo xã đã họp và thống nhất chỉ nhắc nhở chứ không xử lý kỷ luật. Các cán bộ này làm việc cảm tính, nể nang chứ không có động cơ vụ lợi nên không kỷ luật. Họ vẫn công tác bình thường tại địa phương. |