Vụ nữ sinh An Giang nghi tự tử: Kỷ luật HS không đúng quy định

Liên quan đến vụ nữ sinh nghi tự tử do bị bạo lực tinh thần, ngày 6-12, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho biết đã xác minh làm rõ vụ việc cho thấy nhà trường có nhiều sai phạm nên đã tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng và hiệu phó của trường. 
Nêu tên HS vi phạm dưới cờ, bắt cấm túc hai tuần
Vào sáng 30-11, em NTNY (học sinh (HS) lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang) được phát hiện ngất xỉu tại nhà vệ sinh. Sau đó, mọi người phát hiện em Y. để lại thư tuyệt mệnh với nội dung dùng cái chết để phản ứng việc kỷ luật của trường. 
Trước đó, ngày 27-11, thầy Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương, đã ký thông báo về việc HS vi phạm điều lệ Trường THPT năm học 2020-2021, trong đó có nội dung em Y. sai phạm khi “phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo”. Em còn sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.
Qua cuộc họp, nhà trường xét thấy gia đình em Y. đã nhận ra những sai sót của con và hứa dạy dỗ, điều chỉnh con. Tuy nhiên, Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình. Vì vậy, Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng hai tuần. Thậm chí, trường buộc em Y. từ ngày 1 đến 12-12 phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 đến 6 giờ 50 để các cô giáo luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động.
Ngày 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, thầy Hùm khẳng định trường yêu cầu Y. viết bản cam kết, kiểm điểm để khắc phục lỗi nhưng Y. không thực hiện, do đó trường ra thông báo trên để nhờ phụ huynh khuyên em làm kiểm điểm. Thầy Hùm cũng cho biết thông tin em Y. bị nêu tên trong lúc chào cờ là không có! 

Giáo viên chủ nhiệm mỉa mai học sinh trên mạng xã hội

Trong khi em Y. vẫn đang nằm bệnh viện thì một tài khoản mạng xã hội được cho là của cô H., GVCN em Y., lại đăng những dòng status trên mạng xã hội với nội dung: “Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”. 

Trong phần bình luận người viết còn trả lời: “Tự tử chết có coi là vinh quang không con?”, “Cò bảo có xáo thì xáo nước trong có nghĩa là cho đến chết cũng phải trong sạch con à! Còn đằng này con chim chuyên nhả nước bọt kia mượn cái chết giả để vu oan giá họa cho người khác hèn uổng công xúc tép nuôi… chim”.

Để làm rõ thêm nội dung này, chúng tôi đã cố gắng liên lạc nhưng cô giáo này tắt máy. 

Nữ sinh NTNY (ngồi dựa tường) đang được điều trị tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: HL 

Tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng và hiệu phó
Ngày 6-12, Sở GD&ĐT đã có văn bản báo cáo vụ việc. Theo đó, sau khi sự việc xảy ra, Sở GD&ĐT đã tiến hành xác minh bước đầu cho thấy em Y. có vi phạm nội quy nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) nhắc nhở và phối hợp với phụ huynh để giải quyết. Sau đó, trường tiếp tục mời cha mẹ HS vào trường để phối hợp giải quyết. Em Y. lúc đầu thừa nhận nhưng sau không thừa nhận khuyết điểm của mình. 
Tuy nhiên, qua xác minh cũng cho thấy nhà trường và GVCN có nhiều hạn chế, thiếu sót trong việc xử lý vi phạm HS và công tác tổ chức dạy học. Cụ thể, hiệu trưởng có sự nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý HS chưa phù hợp với quy định hiện hành, trong khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ các thành viên ban giám hiệu trường. Lãnh đạo trường chưa quan tâm sâu sát tình hình diễn biến của vụ việc, phản ứng chậm và không hiệu quả. 
Bên cạnh đó, trường tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả HS theo lớp chính khóa).
Đặc biệt, trường có hình thức phê bình, kỷ luật HS không đúng với quy định của ngành giáo dục. Cụ thể, lãnh đạo trường đã nêu họ tên HS có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý HS và là nguyên nhân dẫn đến sự việc xảy ra như báo cáo trước đây đã nêu. Ngoài ra, biện pháp giải quyết, xử lý HS vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả, gây bức xúc đối với phụ huynh HS và bản thân HS.
Về phía GVCN lớp chưa có sự phối hợp đầy đủ, hiệu quả với gia đình trong việc giáo dục học sinh nên gây bức xúc cho HS và gia đình học sinh. GVCN chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu trường trong xử lý vụ việc, để sự việc kéo dài, diễn biến phức tạp. 
Từ những sai phạm này, Sở GD&ĐT quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng trường và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng trường, trong thời hạn 15 ngày (kể từ ngày 7-12). 
Đồng thời, sở giao cho Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Cường chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của cô Huỳnh Thị Thu Huệ, GVCN lớp, liên quan đến sự việc xảy ra tại trường và việc đăng thông tin trên mạng xã hội (sau khi sự việc xảy ra); đối chiếu với các quy định của ngành chức năng, có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo về sở. 
Sở GD&ĐT nhận định những hạn chế, thiếu sót nêu trên của lãnh đạo nhà trường và GVCN đã làm cho sự việc diễn biến theo chiều hướng không tích cực. Để vụ việc sớm được giải quyết dứt điểm, đúng quy định, sở đã yêu cầu ban giám hiệu trường tiếp tục quan tâm, thăm hỏi tình hình sức khỏe HS và gia đình HS trong thời gian điều trị bệnh; trên tinh thần phối hợp tích cực, tạo điều kiện để HS sớm bình phục, trở lại học tập bình thường.

Em muốn chết để thoát “bạo lực tinh thần”

Đến tối 6-12, em Y. vẫn đang được chăm sóc tại Khoa nội tổng hợp của BV Nhi đồng 2 với tình trạng sức khỏe ổn định. Ngồi trên giường bệnh, sắc mặt của Y. khá nhợt nhạt. Y. khẳng định mình cố tình uống thuốc tự tử để giải thoát áp lực bị “bạo lực tinh thần”.

Y. kể em là HS giỏi suốt chín năm liền. Lên lớp 10, ban đầu em học lớp giỏi nhưng sau đó, do em bị bệnh hen suyễn, sức khỏe yếu nên gia đình xin chuyển xuống lớp trung bình.

Vào trước thời điểm ngày 20-11, nhà trường tổ chức lớp học phụ đạo, yêu cầu HS đăng ký các môn. Vì lý do sức khỏe nên Y. chỉ đăng ký môn Anh văn trong sáu môn và có nói rõ với GVCN. Tuy nhiên, đến khi đi đóng tiền học thì cô thủ quỹ tỏ thái độ khó chịu, nói rằng phải học tất cả các môn và báo lên ban giám hiệu giải quyết. 

Sau đó, theo Y., GVCN thỉnh thoảng lên lớp nói dạng ám chỉ có một bạn trong lớp gây ảnh hưởng mất đoàn kết và cô hiệu phó hay kêu em lại hoặc vào phòng nói chuyện.

Y. đã về nhà nói với ba mẹ để lên làm việc với thầy hiệu trưởng. “Sau khi trình bày lý do, thầy yêu cầu em phải viết bản cam kết cuối năm em phải là HS giỏi, không được HS khá hay trung bình” - Y. kể lại.

Sau đó, một hôm gia đình bận việc, không có ai đưa em đi học, em phải chạy xe phân khối lớn đến trường. Cô biết chuyện, gặp và bắt em viết tự kiểm về việc chạy xe quá phân khối. 

Về vấn đề ghi âm giáo viên, Y. thừa nhận mình có dùng điện thoại để ghi âm giáo viên. Bởi theo Y., nhiều lần nói chuyện với em, các cô thường lớn tiếng nhưng khi tiếp xúc với gia đình, thái độ của các cô lại thay đổi như tất cả chuyện cô làm vì thương HS. Do đó, dù đúng dù sai em đều phải xin lỗi. Vì thế, em muốn ghi âm lại về cho ba mẹ nghe để làm bằng chứng.

Đến thứ Hai, em đi khám bệnh nên nghỉ học, về nhà nghe các bạn báo tin em bị nêu tên dưới cờ với nội dung phản ánh sự việc ở trường không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên, phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động bốn tuần (tờ thông báo kiểm điểm sau này giảm còn hai tuần - PV)”.

“Thứ Hai tuần sau đi học, em sợ sẽ phải đọc tự kiểm và nhận sai trước trường. Do quá sợ hãi nên em vào nhà vệ sinh. Khi đó, bệnh hen suyễn của em tái phát, em đã uống một viên thuốc để lấy lại bình tĩnh. Thế nhưng, em lại suy nghĩ giờ mọi người đều biết chuyện của mình. Gia đình cũng vì mình mà phiền lòng. Bản thân em không có lỗi nhưng suốt ngày bị các cô gọi lên nói chuyện. Em đã uống hết cả vỉ thuốc với ý nghĩ như một sự giải thoát. Em muốn dùng cái chết để thay đổi suy nghĩ của thầy cô về mình” - Y. chia sẻ. 

NGUYỄN QUYÊN - HOÀNG LAN


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm