Xuất khẩu gạo lại gặp khó

Trái với dự đoán, xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây đang có chiều hướng không thuận lợi khi thị trường ế ẩm, giá gạo giảm mạnh. Thị trường không thuận lợi cùng với việc phải đẩy mạnh thu mua tạm trữ đã khiến các doanh nghiệp gạo gặp nhiều khó khăn.

Không có thêm hợp đồng

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, cho biết thị trường gạo thế giới đang trầm lắng đã gây ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của công ty. Công ty không có thêm được hợp đồng xuất khẩu nào mới.

Những năm trước vào thời điểm này, Công ty Lương thực Trà Vinh ký được khá nhiều hợp đồng thương mại nhưng trong năm nay rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% lượng gạo xuất khẩu của công ty. Từ đầu năm đến nay, công ty xuất khẩu được khoảng 30.000 tấn, chủ yếu sang thị trường tập trung Malaysia, Philippines với những hợp đồng được ký giữa chính phủ hai nước.

Ông Phạm Thành Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), cũng đánh giá thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có nhiều khó khăn. Hiện tại tổng công ty chỉ thực hiện giao hàng đối với các hợp đồng đã được ký kết, chủ yếu là giao cho Philippines, Malaysia. Còn các hợp đồng mới, nhất là hợp đồng thương mại hầu như không có.

Xuất khẩu gạo lại gặp khó ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp cho biết do phải mua gạo tạm trữ nên hệ thống kho bãi đã đầy gạo. Ảnh: TRUNG HIẾU

Ngoài việc vắng bóng hợp đồng thì theo nhiều doanh nghiệp, gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với gạo giá rẻ từ Pakistan, Bangladesh. Thương nhân của các nước này chào bán gạo xuất khẩu chỉ 320-330 USD/tấn, mức giá này thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết cái khó của xuất khẩu gạo trong lúc này là doanh nghiệp khó tìm kiếm được hợp đồng thương mại, nhất là châu Phi, vốn được coi là thị trường rất tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí tại thị trường này, có hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết nhưng phía nhà nhập khẩu không chịu thực hiện với lý do không đủ năng lực tài chính. Các nhà nhập khẩu châu Phi dự báo giá gạo còn tiếp tục xuống thấp nên lần lữa mua để xem xét tình hình. Dự kiến phải tới đầu quý II-2010 thì thị trường châu Phi mới có thể sôi động trở lại.

Thêm một thông tin không vui cho các nước xuất khẩu gạo khi mới đây, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines vì lý do tập trung cho bầu cử đã hủy đấu thầu 800.000 tấn gạo dự định mở thầu trong thời gian tới.

Gạo chất đầy kho

Cuối tháng 2-2010, khi giá lúa gạo trong nước đang có dấu hiệu xuống thấp, ngay lập tức VFA đã chỉ đạo 30 doanh nghiệp lớn thu mua tạm trữ trong hai đợt với số lượng 1,5 triệu tấn gạo. Việc thu mua tạm trữ đã được doanh nghiệp chấp hành khá tốt. Nhiều doanh nghiệp hy vọng giá gạo giảm chỉ trong thời gian ngắn rồi lên lại khi thị trường sôi động.

Hiện trong kho của Công ty Lương thực Trà Vinh còn tồn khoảng 60.000-70.000 tấn. Đây cũng chính là gánh nặng mà công ty đang phải chịu trước áp lực của lãi suất ngân hàng 13-14%/năm như hiện tại. “Dù lượng gạo tồn còn khá nhiều nhưng trước mắt công ty vẫn phải mua gạo tạm trữ theo chủ trương của hiệp hội. Nếu công ty không mua thì nông dân không biết bán gạo cho ai. Thị trường trầm lắng thế này, công ty cũng chưa biết giải quyết sao” - Giám đốc Nguyễn Văn Việt lo lắng.

Theo ông Phạm Thành Ngọc, do còn tồn khoảng 900.000 tấn gạo nên hệ thống kho bãi của tổng công ty đã đầy hết. Hiện tổng công ty đang cố gắng tìm kiếm thêm hợp đồng xuất khẩu để giải quyết số lượng gạo tồn, lấy lại kho để chuẩn bị cho vụ thu hoạch hè-thu sắp tới.

Trước khó khăn đang gặp phải, ý định của nhiều doanh nghiệp là sẽ xin hỗ trợ ưu đãi lãi suất ngân hàng trong hai lần mua tạm trữ 1,5 triệu tấn gạo. Vài ba ngày tới, VFA cũng tiến hành họp để phân bổ lại lượng hợp đồng tập trung đã được ký kết từ đầu năm cho doanh nghiệp. Đây được xem là động thái tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp khi lấy lãi lớn tại thị trường Philippines bù lỗ cho việc thu mua tạm trữ, đồng thời giúp doanh nghiệp đẩy nhanh lượng gạo tồn kho.

Do có hạn hán nên hiện Trung Quốc đang được xem là thị trường tiềm năng mà các nước xuất khẩu gạo hướng tới. Trong thời gian tới nếu nước này quyết định nhập gạo sẽ tác động rất lớn tới thị trường gạo thế giới. Hiện đang có dấu hiệu thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam tìm mua gạo và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm