Nhập quận 4 với quận 1: Đối mặt với nhiều cái khó

Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với Quận ủy Bình Tân chiều 23-12, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Đỗ Văn Đạo cho rằng có thể sáp nhập quận 4, vốn có diện tích quá nhỏ, quy mô dân số ít (4 km2, 200.000 dân) vào một quận khác (trong đó có thể là quận 1 - PV) mà vẫn đảm bảo công cuộc tinh giản biên chế.

Ý kiến trên hiện đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Chúng tôi nêu ý kiến ba chuyên gia để làm rõ hơn vấn đề này.

Chuyên gia hành chính Diệp Văn Sơn: Cần xây dựng TP thông minh

Mỗi đơn vị hành chính đều gắn liền với một bộ phận dân cư nhất định, mà cuộc sống của họ được bảo đảm bởi các hoạt động kinh tế-xã hội diễn ra trên địa bàn đơn vị hành chính đó. Bất cứ sự thay đổi nào về địa giới đơn vị hành chính đều kèm theo nhiều xáo trộn, gây khó khăn nhất định cho người dân địa phương… cũng như sự quản lý hành chính. Hiến pháp 2013 cũng quy định rõ việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. Thẩm quyền về điều chỉnh địa giới hành chính đối với cấp tỉnh vẫn do Quốc hội quyết định nhưng thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Quy định này giúp cho việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành chặt chẽ hơn, chính xác hơn, dân chủ hơn và đặc biệt sẽ giảm thiểu việc điều chỉnh địa giới hành chính.

Thực tế nhiều quốc gia, họ chỉ điều chỉnh địa giới hành chính trong trường hợp bất khả kháng, không còn cách nào khác. Mặt khác, cũng không nên cho rằng các đơn vị hành chính cùng cấp phải tương đương nhau về quy mô, diện tích, dân số rồi từ đó phải chia, tách hoặc nhập thêm cho ngang bằng...

Riêng tôi cho rằng TP nên tập trung công sức vào việc xây dựng “TP thông minh” thay vì phân tâm vào những chuyện chia tách. Thực tế hiện nay đòi hỏi việc quản lý hiệu quả hơn; dự báo dài hạn hơn, toàn diện hơn, độ chính xác cao hơn… Do đó chúng ta phải có công chức thông minh, quy hoạch TP thông minh phát triển bền vững, quản lý ngành thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh…

Việc sáp nhập quận 4 với quận 1 có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Ảnh: HTD

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Xem xét nhập quận 4 với quận 2

Việc nhập quận 4 và quận 1 là một vấn đề lớn, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trên cả ba mặt: Hành chính, giá trị lịch sử và kinh tế đô thị.

Về mặt hành chính, nhập quận 4 với quận khác là chủ trương tốt, phù hợp xu thế tinh giản biên chế cũng như phù hợp với điều kiện ngân sách có hạn của TP hiện nay.

Về mặt lịch sử, có ý kiến lo ngại việc nhập quận 4 vào quận 1 sẽ làm mất đi các giá trị lịch sử. Tuy nhiên, theo tôi, không cần quá băn khoăn, đắn đo về việc này. Quận 4 không thể chứa nhiều giá trị lịch sử như quận 1, quận 3. Hơn nữa, khu vực này chủ yếu là nhà lụp xụp, cần phải chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng cần phải cân nhắc kỹ chính là bài toán kinh tế đô thị. Hiện nay quận 1, quận 3 là hai khu vực có giá trị đất đai cao nhất TP. Nếu nhập quận 4 sang thì chưa hợp lý vì khi đó giá trị đất đai của quận 4 cũng sẽ tăng rất cao. Trong khi đây là nơi được xác định là khu vực cần chỉnh trang đô thị, giá trị nhà đất tăng cao sẽ rất khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo tôi, thay vì nhập quận 4 vào quận 1 thì nên nhập vào quận 2 sẽ hợp lý hơn. Vì đây là khu vực đang phát triển, cũng có giá trị tương đương quận 4 và đều nằm sát quận 1. Quận 2 hiện nay đất trống rất nhiều và đều trong quá trình xây dựng một đô thị hiện đại, chủ yếu là nhà cao tầng. Việc nhập quận 4 với hiện trạng chủ yếu là đô thị chỉnh trang thì cũng là sự phát triển đô thị hợp logic. Nhập quận 4 vào quận 2 cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều về mặt giao thông.

TS Nguyễn Hữu Nguyên: Bốn ý tưởng giảm biên chế

Tôi cho rằng nếu chỉ căn cứ vào yếu tố diện tích nhỏ và mục đích giảm nhẹ bộ máy hành chính để nhập hai quận thì chưa đủ sức thuyết phục. Nếu sáp nhập sẽ không tạo ra điều kiện thuận lợi hơn về đầu tư phát triển vì mức độ đô thị hóa đã tương đối ổn định. Về quản lý xã hội, quận sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì dân số đông hơn, các cơ sở kinh doanh nhiều hơn... Nếu sáp nhập thì phải thay đổi tên phường, tên quận… trong các giấy tờ liên quan nên tạo ra sự phiền toái rất lớn, là gánh nặng hành chính lâu dài của nhân dân và chính quyền.

Tóm lại, có thể dự đoán cái hại về gánh nặng về hành chính đối với chính quyền và người dân sẽ lớn hơn nhiều so với cái lợi về giảm được một quận.

Tôi đề xuất phương án giảm biên chế chung cho cả TP theo ý tưởng sau đây: Cơ cấu tổ chức bộ máy cấp quận, huyện như nhau nhưng số lượng biên chế khác nhau.

Theo đó, chúng ta nên xây dựng khung tiêu chuẩn cần bao nhiêu biên chế cho 1.000 dân. Trên cơ sở đó, chúng ta quy định tỉ lệ biên chế cho các quận, huyện theo dân số. Đối với các phường trong quận cũng nên tính theo cách đó.

Thứ hai là tính biên chế theo giá trị kinh tế. GDP của quận nào cao hơn thì có thể phải có biên chế nhiều hơn để đủ sức bảo vệ và phát triển. Thứ ba là tính biên chế theo tầm quan trọng của các mục tiêu chính trị, hành chính, văn hóa… phải bảo vệ trong địa bàn. Yếu tố thứ tư là diện tích tự nhiên.

Ngoài ra có thể nghiên cứu cách quản lý theo cụm, theo vùng (không nằm trong từng quận, huyện) với một số lĩnh vực như quản lý giao thông, quản lý môi trường, quản lý văn hóa, thể dục thể thao… Lúc đó chúng ta cũng giảm được biên chế cho các quận, huyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm