Tablet ở Úc: Không phải mua, không thay sách

Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm đưa máy tính bảng (tablet) vào giảng dạy tại một trường tiểu học nhỏ ở bang Queensland (Úc) mà các con tôi đang theo học.

Theo tôi biết, các trường tiểu học (vỡ lòng đến lớp 6/7) trước đây không cho học sinh sử dụng tablet, chỉ đến khi lên trung học (lớp 7 đến lớp 12) tablet mới được sử dụng trong lớp học (nhưng chủ yếu chỉ ở các trường tư). Các trường và giáo viên tiểu học cho rằng học sinh nhỏ tuổi cần phải được tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, bạn bè, sách vở trong những năm đầu đi học. Mà tablet/máy tính/các phương tiện nghe nhìn điện tử cản trở điều này và còn có một số tác hại khác. Ngoài ra chi phí mua tablet cũng là gánh nặng, nhất là với các gia đình đông con.

Cách đây ba năm hệ thống trường Công giáo của bang Queensland quyết định thí điểm đưa tablet vào lớp học ở năm cuối cấp bậc tiểu học. Họ cho rằng ở độ tuổi này học sinh đã đủ lớn để có thể phân biệt thế giới thực với thế giới ảo và các em cần được trang bị một số kỹ năng sử dụng tablet để chuẩn bị cho trung học. Việc sử dụng tablet trong lớp cũng khá hạn chế, học sinh chỉ sử dụng một số apps trong danh mục đã được duyệt trước (search, presentation, movie making, arts...) chứ tablet hoàn toàn không phải để thay thế cho sách vở và các môn học truyền thống.

Từ cuối năm lớp 5 (năm lớp 6 học sinh bắt đầu được sử dụng tablet) nhà trường tổ chức một buổi họp với phụ huynh về việc đưa tablet vào giảng dạy. Họ nói rõ mục đích của việc này là chuẩn bị một số kỹ năng cho các cháu chứ không phải để thay thế lớp học truyền thống (họ phải trấn an nhiều phụ huynh “bảo thủ” không muốn con mình làm “chuột bạch” cho một phương pháp giảng dạy mới). Nhưng điều quan trọng nhất là nhà trường giải thích chi tiết cách thức họ và phụ huynh sẽ cùng nhau giám sát việc học sinh sử dụng tablet như thế nào.

Nguyên tắc căn bản là tablet chỉ được sử dụng cho việc học, không được cài games và các apps khác ngoài danh mục đã được duyệt trước. Tất cả hình thức mạng xã hội (Facebook, Snapchat, Whatsapp...) đều bị cấm. Mỗi học sinh được cấp một email theo domain của trường và email này chỉ được sử dụng cho mục đích trao đổi học tập với giáo viên và giữa các học sinh với nhau, các cháu không được sử dụng email cho mục đích cá nhân. Mỗi tablet có một PIN code riêng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh biết để có thể vào kiểm tra bất kỳ lúc nào. Hệ thống mạng ở trường được cài tường lửa để ngăn học sinh truy cập các nội dung/hình ảnh không tốt.

Nhà trường đưa ra ba phương án trang bị tablet, bắt buộc phải là iPad để thống nhất apps và chất lượng/cấu hình. Phương án thứ nhất là gia đình nào có điều kiện thì tự mua (400-800 AUD) nhưng gia đình phải quán triệt đó là tablet dành riêng cho việc học ở trường nên không được sử dụng cho các mục đích giải trí khác ở nhà. Phương án thứ hai là học sinh được cho mượn tablet của trường trong năm học đó nhưng phải đóng bảo hiểm (khoảng 150 AUD/năm). Các cháu được sử dụng trong một năm và được đem về nhà nhưng cuối năm phải trả lại. Phương án 3, dành cho những gia đình thực sự khó khăn, cũng là cho mượn một năm nhưng nhà trường sẽ liên hệ với các tổ chức từ thiện để họ giúp đóng tiền bảo hiểm.

Theo dõi cháu lớn nhà tôi sử dụng tablet trong hơn nửa năm qua nhìn chung tôi thấy tương đối ổn. Cháu khá có trách nhiệm trong việc lướt web và email. Đã biết sử dụng các apps cần cho việc học hành (từ điển, thuyết trình...), đặc biệt các apps liên quan đến sáng tạo rất có ích. Thời gian sử dụng tablet cũng vừa phải, dù có lúc vẫn lén đem vào giường trùm chăn đọc sách. Tôi nghĩ việc đưa tablet vào trường học là cần thiết nhưng phải hết sức cẩn trọng, cả về phía gia đình lẫn nhà trường và không nên cho các cháu quá nhỏ.

LÊ HỒNG GIANG, Úc (Giang Le G+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm