Ngoại trưởng Philippines tố Trung Quốc trên diễn đàn LHQ

Trong bài phát biểu, dù không nêu trực tiếp tên Trung Quốc nhưng ông đã ám chỉ nước này đơn phương bành trướng và xâm phạm quyền lợi của các nước khác trên biển Đông. Ông nhận định các hành động đơn phương như thế đang hình thành một kiểu mẫu thay đổi hiện trạng hàng hải bằng vũ lực nhằm tiến tới xây dựng cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc.

Ông ghi nhận giải pháp tốt nhất cho vấn đề tranh chấp biển Đông là thông qua tòa án trọng tài quốc tế và công cụ chính để giải quyết tranh chấp là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Trên tinh thần đó, Philippines đã mời Trung Quốc tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa án trọng tài quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối và tiếp tục chính sách đơn phương bành trướng, thực hiện hàng loạt hành động bằng vũ lực, liều lĩnh và nguy hiểm nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông.

Theo kênh truyền hình ABS-CBN News (Philippines), Ngoại trưởng Albert del Rosario đã phân tích có nhiều mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc.

Ông dẫn chứng hôm 27-9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới sử dụng các quy tắc công bằng và chính nghĩa để giải quyết tranh chấp, song thực tế Trung Quốc lại làm ngược lại.

Ông nêu lên trong hai năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn để biến năm đá ngầm trên biển Đông thành đảo nổi. Ông khẳng định động thái này là dấu hiệu dự báo Trung Quốc có thể xây dựng các căn cứ quân sự trên các vị trí cải tạo.

Ông chỉ trích bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc là một yêu sách bành trướng chủ quyền.

Ông kêu gọi quốc tế ủng hộ kế hoạch ba hành động của Philippines gồm: Các bên tranh chấp ngừng hoạt động làm gia tăng căng thẳng ở biển Đông, thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua tòa án trọng tài quốc tế.

Cuối cùng, Ngoại trưởng Albert del Rosario khẳng định: “Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi một nghị quyết thông qua tòa án trọng tài quốc tế và tin rằng quyết định của tòa án sẽ làm rõ các quyền lợi hàng hải, mở đường cho một nghị quyết toàn diện giải quyết vấn đề tranh chấp ở biển Đông”.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm