Âu lo bị lây bệnh tả từ Campuchia

Khác với cúm A/H5N1 xảy ra cục bộ ở Campuchia và khả năng bùng phát thấp, bệnh tả nơi này vẫn còn đó nguy cơ. Dân chúng nhiều nơi chưa được truyền thông phòng bệnh, thiếu nước sạch và tập quán nuôi bò gần nhà, tiểu tiện bừa bãi trong dân khiến tả trở thành mối dịch họa lớn trên đất nước Chùa Tháp.

Chưa được truyền thông

Ông Thon Rothady, ủy viên thư ký xã Bẹc-Chạy, tỉnh Kandal, cho biết vài tháng trước trên địa bàn xã có sáu người nhiễm tiêu chảy cấp. Những người này phải đi sang huyện An Phú (An Giang) điều trị. Tại một số xã thuộc huyện Cỏ Thum như Léc-Đéc, Sầm-Bây-Buôn… số người mắc tả cũng nhiều. Hầu hết bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên điều trị.

Đối diện sông Hậu, sông Bình Di, bên kia biên giới san sát ghe xuồng, nhà bè neo đậu. Người dân vẫn múc nước sông lên xài. “Nói là dân nước bạn nhưng thực chất xóm nhà ven sông và xóm ghe bập bềnh bờ Campuchia hầu hết là người Việt. Ở đây bà con không ai biết tại xã có bệnh tả” - chị Trương Thị Sen, một Việt kiều ở ấp Mương Chùa, xã Bẹc-Chạy, cho biết. “Chúng tôi cũng không nghe chính quyền nói gì về bệnh dịch tả” - nhiều người dân tỉnh Prây Veng nói thêm.

Mặc dù đã mắc và vừa được trị khỏi bệnh tả nhưng khi được chúng tôi hỏi về tả thì một bệnh nhân ở Bẹc-Chạy tỏ vẻ ngơ ngác: “Có nghe ai nói dịch bệnh gì đâu. Hễ bệnh là cứ chạy sang Việt Nam điều trị. Lần đầu tiên tôi được cán bộ y tế cho thuốc và hướng dẫn xử lý nước phòng tả, đây nè” - một Việt kiều vừa được nhận lọ Cloramin B do cán bộ y tế huyện An Phú, An Giang phát vui vẻ nói.

Âu lo bị lây bệnh tả từ Campuchia ảnh 1

Trẻ em sống trên ghe, bè tại biên giới An Phú (An Giang) thoải mái thải phân xuống sông. Ảnh: V.SƠN

Thoải mái xài nước sông, nước giếng

Theo nhiều người dân Bẹc-Chạy, lâu nay trên địa bàn xã không có nước máy. Mấy chục năm qua, hàng ngàn Việt kiều sống ven biên giới vẫn xài nước dưới sông. “Do quá nghèo nên chúng tôi chỉ có lấy một chiếc ghe làm nhà lây lất sống, ăn uống hay tiểu tiện gì cũng đều nhờ vào sông cả” - ngồi trong chiếc ghe mục chòng chành, một phụ nữ ở Bẹc-Chạy bộc bạch.

Sang tỉnh Prây Veng, đi sâu vào các phum sóc có nhiều hộ nuôi bò cạnh nhà. Phân bò được thải trên mặt đất gần nhà, gần ruộng. Mấy đứa trẻ mặt mày lem luốc chơi đùa ngay trên sân đất đầy phân bò. Chơi đã thèm, lũ trẻ chạy ra cạnh hè nhà, nơi có giếng khoan ngồi đi tiêu.

Hầu hết người dân Campuchia sống ven biên tỉnh Prây Veng xài nước giếng vì không có nước máy. Do đó, nguy cơ phẩy khuẩn tả có trong phân người, gia súc thải ra thẩm thấu xuống nguồn nước ngầm, lây cho người qua đường giếng là rất lớn.

Tả lơ lửng cả đường thủy lẫn bộ

Bên kia là thế, ở nội biên người dân vẫn thản nhiên tắm sông. Men theo sông Hậu, sông Tiền, sông Sở Thượng, Sở Hạ và nhiều tuyến kênh lớn nằm ven biên như Tân Thành - Lò Gạch, kênh Trung Ương, rạch Cỏ Lau… vẫn thấy cảnh trên bờ có cầu tiêu nhưng dưới sông người ta tắm giặt… đều đều. “Phía biên giới An Giang đã có phẩy khuẩn tả trong nước. Vừa rồi Campuchia lại công bố dịch tả ở Prây Veng khiến chúng tôi thêm lo ngại. Tuy nhiên, chuyện chặn không cho dịch tả vào Đồng Tháp từ biên giới gần như không thực hiện được, do nó trôi theo nguồn nước. Dù đẩy mạnh tuyên truyền nhưng ta chỉ sơ sẩy chút là dân xài nước sông, kênh rạch bị mắc tả ngay” - Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, lo lắng.

Âu lo bị lây bệnh tả từ Campuchia ảnh 2

Xóm Việt kiều tại tỉnh Kandal vui mừng khi được cán bộ Việt Nam sang phát Cloramin B khử trùng nước chống tả. Ảnh: V.SƠN

Tại huyện An Phú (An Giang), cảnh người dân múc nước nấu nướng và trẻ tắm sông còn nhởn nhơ. Trên nhiều khu đất bãi bồi ven sông, người dân vẫn hái rau nhút trồng từ nguồn nước đe dọa có phẩy khuẩn tả mang đi bán. Bác sĩ Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Phú, than: “Lượng dân trên ghe, bè xài nước sông vô cùng lớn. Mặc dù bên này đã chủ động phát thuốc chống tả nhưng tình hình xem ra khó chặn đứng về lâu dài”.

Trên đường bộ, Trung úy Phạm Văn Giáp, cán bộ đồn biên phòng cửa khẩu Khánh Bình (An Giang), cho biết lực lượng tại cửa khẩu có trải bao thấm thuốc Cloramin B dạng bột để khử khuẩn tả trên người và phương tiện qua lại. Tuy nhiên, kể từ ngày 24-4 thì cái bao kia biến mất (?). Trong khi mỗi ngày nơi đây có trên 200 người qua lại.

Tại cửa khẩu Thường Phước và Dinh Bà, chúng tôi thấy chưa có biện pháp phòng bệnh từ xa. “Chúng tôi chưa được cấp trên chỉ đạo phải dùng hóa chất khử khuẩn tả nên chưa làm” - anh Nguyễn Văn Hia, nhân viên Trạm kiểm dịch y tế quốc tế cửa khẩu Thường Phước, nói.

Tại sao lại “lơ là” phòng bệnh tả trên bộ? Bác sĩ Ấn cho biết: Dịch tả và cúm gia cầm bên Campuchia chỉ xảy ra cục bộ. “Về đường thủy, tả theo nguồn nước vào Việt Nam nên không thể ngăn chặn. Trên bộ nếu có người có dấu hiệu bệnh lạ thì họ sẽ được cán bộ kiểm tra. Còn đối với người đang ủ bệnh đi sang thì đành… thua. Biện pháp hiện nay vẫn là giám sát chặt tình hình để phát hiện sớm, ca nào mắc tả thì xử lý ngay” - ông Ấn nói.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm