Bão số 6 cách bờ 270 km

Chiều nay, tâm bão còn cách bờ biển Quảng Bình - Đà Nẵng khoảng 270 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12.

Dự kiến ngày mai bão vẫn chưa vào đến đất liền mà di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Đến chiều mai, tâm bão cách bờ biển Nghệ An - Quảng Bình khoảng 100 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, tức bão đang có xu hướng suy giảm.

Nghệ An: Núi nứt chẻ đôi

Chiều 3-9, vết nứt chẻ đôi núi Pu Căm (xã Lượng Minh, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An) tiếp tục hở rộng và kéo dài. Vết nứt này chạy dài từ trên đỉnh núi xuống tận trung tâm xã Lượng Minh, có nơi rộng gần 1 m, có nơi bị sụt lún 40-50 cm. Nứt núi đã khiến nhà của 45 hộ dân và trụ sở UBND, Trạm Y tế xã Lượng Minh có nguy cơ bị đẩy xuống sông Nậm Nơn. Cây cầu treo đi lại của hàng trăm người dân nay đang bị cong vênh, gây nguy hiểm cho người qua lại. Chính quyền huyện Tương Dương đang dựng thêm 20 lán trại để người dân xã Lượng Minh đến lánh nạn, tránh núi sập, lở.

Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Nhà máy thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) khẩn trương xả lũ. Hiện địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Sáng 3-10, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã xuất 10 tấn gạo cùng chất khử khuẩn Cloramin B cứu trợ khẩn cấp cho bà con vùng lũ xã Tân Hóa. Đồn Biên phòng 585 (xã Thượng Hóa) cũng đã chuyển hai tấn gạo đến cứu trợ đồng bào Rục ở bản Ón sau hơn một tuần bị lũ chia cắt.

Bão số 6 cách bờ 270 km ảnh 1

Cứu trợ khẩn cấp cho người dân đồng bào Rục ở bản Ón. Ảnh: V.LONG

Bão số 6 cách bờ 270 km ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu trình bày với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (bìa trái).
Ảnh: VINH SƠN

Toàn huyện Minh Hóa đã có hơn 600 ha hoa màu bị lũ cuốn sạch. Ngầm Tràn xã Hồng Hóa hư hỏng nặng, cầu, kè dọc bờ sông Nan bị lở nặng, 14 điểm trường bị ngập. Đến nay, Quảng Bình đã có năm người chết vì lũ.

Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) hiện đã trở về sau ba ngày sống trên lèn đá. Nước lũ đã làm nhiều nhà bị xiêu vẹo, gỗ thưng bị cuốn trôi, đường làng ngập ngụa bùn đất. Bàn ghế, sách vở, áo quần của học sinh hầu như bị cuốn phăng đi tất cả. Ông Cao Văn Lục, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết hiện nước uống ở đây rất khan hiếm.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trên 1.900 tàu thuyền của tỉnh đã vào bờ an toàn. Chính quyền ra lệnh cấm người dân ra khơi, kể cả tàu thuyền hoạt động bãi ngang ven biển. Các tỉnh miền Trung khác cũng đang sẵn sàng ứng phó và phòng ngừa cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền.

Phó thủ tướng thị sát lũ miền Tây           

Ở miền Tây, lũ trên dòng chính sông Cửu Long tiếp tục xuống dần, vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên lên chậm và đạt đỉnh trong vài ngày tới.

Ngày 3-10, ông Lê Văn Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Đồng Tháp, cho biết khuya ngày 3-10, đê bao bảo vệ cánh đồng Cà Vàng, xã Thông Bình (huyện Tân Hồng) đã bị vỡ. 825 ha lúa vụ ba ở đây bị nhấn chìm trong nước, thiệt hại ước tính tối thiểu 25 tỉ đồng. Đến nay Đồng Tháp đã có 1.885 ha lúa vụ ba mất trắng do vỡ đê bao. Hiện tại một số đoạn đê bao tại các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự chỉ cao hơn mặt nước 0,2-0,3 m, có nơi bị sạt lở mái, nguy cơ vỡ đê rất cao. Toàn tỉnh có hơn 8.100 căn nhà bị ngập nước, chính quyền các địa phương đã di dời hơn 650 hộ và kê kích hơn 970 nhà lên cao. Đáng lo ngại là ở các huyện Châu Thành, Cao Lãnh đã có hơn 3.400 ha vườn cây ăn trái bị ngập, hơn 1.000 ha cây trái bị chết, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến khảo sát tình hình lũ và công tác phòng, chống tại An Giang. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá rất cao tinh thần chủ động ứng phó, chống chọi với lũ của tỉnh và yêu cầu địa phương tiếp tục nâng cao cảnh giác với diễn biến phức tạp của lũ. Đến nay An Giang có gần 4.000 ha lúa bị thiệt hại và trên 60.000 ha bị nước lũ đe dọa.

NHÓM PV-CTV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm