Cần Thơ: Tạm ngưng tiếp nhận rác ở Phước Thới, Ô Môn

UBND TP Cần Thơ cho hay hiện nay tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn TP được các đơn vị thu gom khoảng 500 tấn/ngày, trong đó tỉ lệ xử lý ước đạt 80% tổng khối lượng; riêng chất thải rắn công nghiệp và y tế tỉ lệ xử lý đạt 100% theo quy định.

Đối với tình trạng ô nhiễm xung quanh khu vực bãi xử lý rác thuộc phường Phước Thới (quận Ô Môn), hiện UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo tạm ngưng tiếp nhận rác và BQL dự án đầu tư xây dựng TP đang thực hiện các giải pháp khắc phục (Trước đó Pháp Luật TP.HCM cũng đã phản ánh ngày 21-4, khoảng 100 người tụ tập ngăn chặn không cho xe rác vào bãi rác ở phường Phước Thới, quận Ô Môn vì chịu hết nổi mùi hôi thối do bãi rác gây ra). Hiện các biện pháp đang tiến hành như xử lý nước rỉ, trang bị các ô chứa rác đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tránh hiện tượng thẩm thấu nước hoặc chảy tràn ra khu vực xung quanh; tăng cường phun xịt các chế phẩm để hạn chế tối đa mùi và côn trùng phát sinh; tạo vùng đệm phân cách bằng dãy cây xanh; hoàn chỉnh các hạng mục bảo vệ môi trường theo đề án đã được phê duyệt. Dự kiến khi hoàn thành, TP sẽ cơ bản giải quyết được thực trạng ô nhiễm.

Thu gom rác thải ở TP Cần Thơ. Ảnh: GT

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, báo cáo của UBND TP Cần Thơ thông tin là UBND TP Cần Thơ đã thống nhất chọn Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam là nhà đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn của TP với công nghệ xử lý là chất thải rắn được ủ khô, phân loại tái chế sau đó nén ép chở đi đốt cháy hoàn toàn trong lò nung xi măng tại Kiên Giang.

Tuy nhiên, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết hiện TP vẫn trong quá trình xem xét và chưa chính thức chọn được nhà đầu tư. Có thể khi tổng hợp báo cáo, chuyên viên có sự nhầm lẫn. Khi nào lựa chọn được nhà đầu tư sẽ có thông tin chính thức.

Được biết năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020. Từ căn cứ trên, Cần Thơ lập quy hoạch quản lý chất thải rắn của TP đến năm 2030 nhằm định hướng và cụ thể hóa các kế hoạch, lộ trình để thực hiện trong thời gian tới đối với lĩnh vực xử lý chất thải rắn. Tiếp đó, TP lập và phê duyệt quy hoạch Khu liên hợp xử lý chất thải rắn quy mô 47 ha tại phường Phước Thới, quận Ô Môn và đã giải phóng mặt bằng được 20 ha, trong đó khu xử lý chất thải rắn thông thường khoảng 10 ha (công suất 600 tấn/ngày) và khu xử lý chất thải rắn nguy hại khoảng 2 ha (công suất 20 tấn/ngày).

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm