Con người khó ngủ khi trăng tròn

Con người khó ngủ khi trăng tròn ảnh 1

Mặt trăng ảnh hưởng tới giấc ngủ của con người. Ảnh: Current Biology, Cajochen et al.

Báo cáo trong ấn phẩm Current Biology của CellPress cung cấp một số bằng chứng khoa học thuyết phục rằng “nhiều người ngủ không ngon khi xuất hiện trăng tròn”.

Phát hiện cho thấy, con người dù sống trong tiện nghi của thế giới văn minh vẫn chịu sự tương tác của nhịp điệu “địa vật lý” mặt trăng, nó được điều khiển bởi đồng hồ sinh học trong cơ thể.

"Các chu kỳ mặt trăng dường như ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó", bác sĩ Christian Cajochen, từ Bệnh viện tâm thần thuộc Đại học Basel, Thụy Sĩ nói.

Giới khoa học đã nghiên cứu giấc ngủ của 33 tình nguyện viên trong phòng thí nghiệm, những người tham gia không biết về mục đích của nghiên cứu, và không nhìn thấy mặt trăng trong phòng. Mô hình bộ não của họ được theo dõi cùng với chuyển động của mắt và lượng hormone tiết ra khi ngủ.

Kết quả, khi trăng tròn các tình nguyện viên mất nhiều thời gian hơn để ngủ thiếp đi, và chất lượng giấc ngủ kém hơn, hoạt động của não liên quan đến giấc ngủ sâu giảm 30%, đồng thời nhóm khoa học thấy ở họ có sự sụt giảm hormone melatonin liên quan đến chu kỳ đồng hồ tự nhiên cơ thể.

Khi trời tối, cơ thể tạo ra nhiều melatonin hơn so với ban ngày, nếu tiếp xúc với ánh sáng chói vào buổi tối, hoặc quá ít ánh sáng vào ban ngày có thể phá vỡ chu kỳ melatonin tự nhiên. Tuy nhiên, giáo sư Christian Cajochen và các đồng nghiệp cho biết tác động của mặt trăng không liên quan đến độ sáng của nó.

"Đây là bằng chứng đáng tin cậy đầu tiên về một “nhịp điệu mặt trăng” tác động tới giấc ngủ con người trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ của phòng thí nghiệm và không có tín hiệu về thời gian”, các nhà nghiên cứu nói.

Theo Lê Hùng (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm