Công chứng viên không thể làm chứng di chúc

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-6 có đăng bài “Có cần người làm chứng di chúc?” phản ánh một số vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục lập di chúc. Công chứng viên Hoàng Xuân Hoan (Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM) đã góp thêm ý kiến để làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên trong việc công chứng di chúc.

Theo thông tin trong bài, năm 1994, mẹ của hai bên đương sự đã nghe công chứng viên (CCV) đọc lại bản di chúc và điểm chỉ trước sự chứng kiến của CCV. Cho rằng việc lập di chúc như thế không đúng quy định, một người con đã khởi kiện đòi hủy di chúc. Do bị TAND hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm lần lượt xử bác yêu cầu nên người này đã khiếu nại đến TAND Tối cao. Vừa qua, một phó chánh án TAND Tối cao đã ký quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử hủy cả hai bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu bởi tờ di chúc trên không có người làm chứng nên không hợp pháp.

Từ vụ án này có hai vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng để hạn chế tình trạng di chúc đã được công chứng nhưng vẫn có thể bị tòa xử hủy bỏ toàn bộ hoặc tuyên bố vô hiệu một phần dẫn đến ý chí của chủ sở hữu tài sản không được thực hiện sau khi họ qua đời.

Công chứng viên không thể làm chứng di chúc ảnh 1

Làm thủ tục công chứng di chúc tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Khi nào di chúc phải có người làm chứng?

Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995, năm 2005, luật Công chứng năm 2007 đều có quy định về việc phải có người làm chứng trong việc lập di chúc. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 14 Pháp lệnh Thừa kế, trong trường hợp người lập di chúc không đọc bản di chúc được, không ký hoặc điểm chỉ được thì phải nhờ người chứng kiến. Khoản 2 Điều 661 BLDS năm 1995 bổ sung thêm một điều kiện: Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng. Khoản 2 Điều 658 BLDS năm 2005 cũng tiếp tục quy định tương tự...

Như vậy, muốn nhận định di chúc đúng hay sai ở chỗ phải có hay không cần có người làm chứng thì phải xem xét người lập di chúc có thuộc những trường hợp nêu trên hay không. Người đó có biết đọc, có nghe được, có ký tên hoặc điểm chỉ được không ? Nếu không thì họ buộc phải có người làm chứng. Những chi tiết khác như người đó có đủ sức khỏe, tinh thần còn minh mẫn hay không không liên quan đến việc cần hay không cần người làm chứng.

CCV khác người làm chứng

Cả ba văn bản trên đều phân biệt rất rõ công việc, nhiệm vụ của người làm chứng và CCV. Theo Pháp lệnh Thừa kế, người chứng kiến đọc bản di chúc cho người lập di chúc nghe và ký vào bản di chúc trước mặt người có trách nhiệm chứng thực của cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã. Người có trách nhiệm của cơ quan công chứng hoặc UBND chứng thực vào bản di chúc trước mặt người lập di chúc, người chứng kiến. Theo hai BLDS năm 1995 và 2005, người làm chứng phải ký xác nhận trước mặt CCV hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Sau đó, CCV, người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Chính vì thế, không thể đánh đồng người làm chứng với CCV. Khi pháp luật đã quy định rạch ròi mỗi người mỗi việc thì CCV không được phép làm công việc của người làm chứng. Nếu CCV làm khác đi (đọc lại bản di chúc cho người lập di chúc nghe, vừa làm CCV vừa làm người làm chứng trong bản di chúc) thì di chúc đó không hợp pháp.

CCV được chỉ định người làm chứng

Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng.

Người làm chứng do người yêu cầu công chứng mời, nếu họ không mời được thì CCV chỉ định.

(Theo khoản 1 Điều 9 Luật Công chứng)

HOÀNG XUÂN HOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm