Cốp xe - nơi để tài sản không an toàn

“Cốp xe quả là tiện lợi nhưng đừng biến nó thành “két sắt” di động kẻo có ngày mất cú đúp - đó là bài học chua xót mà chị Trần Thúy Oanh (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đúc kết được cách đây ít ngày.

Mất cú đúp

Dự tính đặt cọc mua nhà nên chị Oanh bỏ 50 triệu đồng vào cốp chiếc Air Blade rồi yên chí lên đường. Đến nhà bà Lê Nhi (ở quận 7), chị Oanh dựng xe trong sân, khóa cổ rồi theo chân gia chủ tham quan căn nhà. Khoảng mươi phút sau, chị Oanh choáng váng phát hiện xe đã mất. Trong chốc lát mất cả tiền lẫn xe trị giá 100 triệu đồng, chị Oanh than thở: “Tại mình chủ quan quá, phải chi khi vào nhà cầm luôn tiền theo thì đâu thiệt hại nặng nề thế”. 

Cốp xe - nơi để tài sản không an toàn ảnh 1

Xe tay ga có cốp xe lớn dễ để tài sản và cũng dễ bị moi trộm

Trường hợp của chị Trần Thị Cẩm Tú ở phường 25, quận Bình Thạnh “đau” hơn nhiều. Lúc 19 giờ ngày 23-2-2010, đi làm về chị Tú dựng xe Air Blade trong sân nhà, có khóa cổ, khóa cổng cẩn thận rồi đi công chuyện. Nửa giờ sau quay về chị Tú phát hiện xe bị mất, trong cốp xe còn để 230 triệu đồng.

Có thể kể ra hàng loạt vụ vì chủ quan, tin tưởng chiếc cốp xe biết “giữ của” mà chủ nhân của nó phải trả giá đắt. 12 giờ 45 ngày 20-4-2010, anh Trần Vũ Phương (quận Tân Bình) điều khiển xe Air Blade chở bạn gái đến nhà hàng Mỹ Á (đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh) ăn trưa. Đến nơi, anh gửi xe cho bảo vệ nhà hàng, không lấy thẻ xe. Một giờ hạnh phúc bên người yêu, lúc quay ra, anh Phương điếng người vì mất xe, trong cốp có 39 triệu đồng. Trước đó, chị Giang Lệ Quyên (ngụ quận 5) chạy xe Air Blade (trong cốp để 38 triệu đồng) đến hẻm 226 Thái Phiên, phường 8, quận 11 thăm người thân, dựng xe trong sân, có khóa cổ nhưng không người trông coi. Ít phút sau, xe đã “bốc hơi”. 

Để tài sản trong cốp khiến bọn cướp đường khó ra tay, nhưng chúng vẫn có cách là chờ cơ hội. Dừng xe trước tiệm vàng M.H (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) lúc 13 giờ 15 ngày 11-1-2010, chị Phạm Thị Thu (ngụ quận 3) mở cốp xe vừa lấy giỏ xách (trong có 16.000 USD, 15 triệu đồng, 2 ĐTDĐ) ra để mua hàng, bị hai thanh niên đi xe Nouvo bất ngờ trờ tới giật mất. Mới đây, chị Đoàn Thị Thu Hà (ngụ quận Thủ Đức) mở cốp xe lấy tiền mua chè tại đường Võ Văn Ngân (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), cũng bị hai thanh niên áp sát giật giỏ xách, trong có sổ tiết kiệm, 9 triệu đồng và giấy tờ tùy thân. Có trường hợp mang tiền gửi ngân hàng, vừa mở cốp xe đã bị giật mất giỏ tiền...

Tai họa dây chuyền

Sự chủ quan không chỉ mang họa vào thân mà còn vô tình khiến người khác vạ lây. Thấy một thanh niên bán chiếc xe Attila có giấy tờ đầy đủ với giá tương đối mềm nên anh Nguyễn Vĩnh T. (ngụ quận Bình Thạnh) quyết định mua. Ngày 17-4-2010, anh T. điều khiển xe lưu thông trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) bất ngờ bị anh Nguyễn Công Luận (ngụ Bến Chương Dương, phường Cầu Kho, quận 1) chặn lại, bắt giữ cả người lẫn xe đưa về công an phường. Tại đây, anh Luận cho biết trước đó anh dựng xe này trong nhà, giấy tờ xe để trong cốp, bị kẻ gian cắt khóa vào nhà lấy trộm...

Cũng bị rắc rối do mua nhầm đồ gian là trường hợp của anh Hà Ánh Đ. (ngụ quận 8). Thấy đôi nam nữ rao bán xe Wave có giấy tờ hợp lệ với giá 10.500.000 đồng tại ngã tư Thủ Đức, anh Đ. đồng ý mua. Bên bán cho biết khi nào muốn sang tên cứ liên hệ với chủ xe theo cà vẹt. Sau thời gian sử dụng thấy bất tiện, anh Đ. lần theo địa chỉ trên giấy tờ xe tìm tới ông Nguyễn Thái (ngụ quận 4) nhờ làm giấy mua bán xe. Thấy anh Đ. chìa ra tấm cà vẹt, ông Thái bèn đưa thẳng đến... công an phường. Thì ra, trước đó con gái ông Thái dựng xe này trong sân công ty, bị kẻ gian lấy mất, trong cốp có giấy tờ xe.

Nhờ cảnh giác mà anh Lý Hoàng Cường (ngụ TP Long Xuyên, An Giang) còn giúp công an phá án. Ngày 12-3-2010, Nguyễn Tiến Dũng (SN 1976, quê Cần Thơ), Tạ Phi Luân (SN 1978, quê Đồng Tháp) mang chiếc SH biển số 52T6-4441 bán cho anh Cường. Xem giấy tờ, anh Cường nghi xe gian nên khéo léo giữ chân người bán, bí mật báo công an. Được mời về trụ sở công an làm việc, Dũng - Luân khai bán dùm xe trên cho Nguyễn Hữu Nghĩa (SN 1973, ngụ TP.Cần Thơ). Vụ việc được làm rõ: trước đó một ngày, anh Trần Công Bằng (SN 1982, tạm trú cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3) dựng xe SH trên (trong cốp có 400 USD, 1 lượng vàng SJC, 10 triệu đồng và giấy tờ xe) trước cửa nhà, bị kẻ gian lấy cắp.

Cốp xe - nơi để tài sản không an toàn ảnh 2

Bắt giữ một đối tượng chuyên moi trộm cốp xe máy

"Thợ" moi cốp xe

Nhiều người có thói quen để tài sản, giấy tờ tùy thân, thẻ giữ xe trong cốp rồi gửi xe vào bãi - đó là thói quen tai hại bởi cốp xe rất dễ móc. Chị Ngọc Hương (ngụ quận Phú Nhuận) gửi xe SH trong cốp có 250 triệu đồng cho nhân viên giữ xe quán cafe L.T (quận Tân Phú) rồi vào trong gặp bạn bè. Một giờ sau ra về, chị Hương kiểm tra tài sản phát hiện mất gần 100 triệu đồng. Qua truy xét, công an bắt thủ phạm chính là nhân viên bãi giữ xe. Trước đó, năm nhân viên giữ xe tại quán bún ốc ở Hà Nội cũng bị bắt về hành vi tương tự. Phát hiện chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1984) để 25 triệu đồng trong cốp xe, bốn nhân viên giữ xe liền đứng tụm lại làm hàng rào che chắn cho đồng bọn thò tay vào “khua khoắng” lấy 12,4 triệu đồng. Tại cơ quan công an, năm nhân viên giữ xe khoác áo đạo chích khai: bằng thủ đoạn trên đã nhiều lần moi cốp xe lấy tiền, ĐTDĐ của khách. Cuối năm 2009, Công an tỉnh Bình Định cũng bắt một băng trộm cắp gần chục đối tượng chuyên móc cốp xe tay ga lấy hàng tỷ đồng.

Từ thực tế cho thấy, các chủ xe không nên xem cốp xe như két sắt di động vì hai lẽ: một, nếu mất xe là mất cả tài sản để trong xe; thứ hai, nhiều cốp xe thiết kế đơn giản, kẻ gian dễ dàng thò tay vào móc lấy tài sản. Hãy xem cốp xe như két sắt khi lưu thông trên đường, còn khi gửi xe, về nhà, đến công sở... nên mang theo tất cả những gì có giá trị ra khỏi cốp, là biện pháp bảo quản hữu hiệu tài sản của mình.

Theo H.T (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm