Tháo gỡ những ‘điểm nóng’ BOT thế nào?

Tình hình tài xế phản đối việc thu phí qua trạm BOT những ngày qua đã xuất hiện ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam… và đang có xu hướng lan rộng nếu phía cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương và nhà đầu tư trạm BOT không kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Liên tục phản đối

Khoảng 9 giờ sáng 7-1, một số tài xế chạy xe biển số các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai... dừng tại cabin trạm thu phí BOT Sóc Trăng trên quốc lộ 1A (thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng) và “cố thủ” tại đây mà không mua vé. Tài xế cho rằng họ không đi tuyến tránh nên không chịu mua vé. Khoảng 10 phút sau, cả ba làn thu phí hướng Sóc Trăng đi Cần Thơ bị kẹt xe hơn 500 m, còn hướng Cần Thơ đến Sóc Trăng xe lưu thông bình thường nhưng BOT Sóc Trăng đã quyết định xả trạm.

Đến 14 giờ cùng ngày, BOT Sóc Trăng thu phí trở lại nhưng chỉ được một lúc, các tài xế lại dừng xe phản đối. Đơn vị khai thác trạm thu phí BOT Sóc Trăng phải xả trạm lần hai. Trạm thu phí BOT Sóc Trăng hoạt động mới hơn nửa năm (từ ngày 1-6-2017) với giá vé thấp nhất 25.000 đồng và cao nhất 140.000 đồng tùy loại xe.

Trước đó, chiều 6-1, một tài xế đã dừng xe “cố thủ” tại trạm BOT Sông Phan trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Tài xế này cho rằng đoạn đường thuộc dự án có nhiều nơi xấu, nhiều vụ tai nạn xảy ra... nên không đồng ý mua vé qua trạm. Đến khoảng 18 giờ 30, có nhiều tài xế khác phản ứng theo. Quốc lộ 1 đoạn qua trạm BOT Sông Phan bắt đầu ùn tắc. Chủ đầu tư buộc xả trạm cả hai hướng. Đến gần 20 giờ, trạm BOT Sông Phan mới thu phí trở lại.

Bị tài xế liên tục phản đối, BOT Sóc Trăng đã xả trạm hai lần trong ngày 7-1. Ảnh: GIA TUỆ

“Nóng” nhất là tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trên quốc lộ 1, liên tục từ ngày 2 đến 6-1, các tài xế điều khiển phương tiện ô tô tải đến “cố thủ” trên tất cả sáu làn thu phí. Các tài xế yêu cầu nhân viên trạm thu phí bán vé bằng hình thức “đi bao nhiêu kilomet sẽ trả bấy nhiêu tiền”. Sau đó xuất hiện các ô tô con treo băng rôn có nội dung “Đề nghị miễn 100% dân cư trong khu vực 5 km”, “Đề nghị BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp thu đúng, thu đủ”… Tình trạng ùn tắc kéo dài hàng cây số cả hai bên trạm trong nhiều giờ liền của các ngày 4 và 5-1. Trước tình hình trên, UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu Ban quản lý trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp xả trạm, tuy nhiên ban quản lý trạm không hợp tác một cách tích cực, chỉ xả trạm mỗi lần khoảng 15 phút nên tình hình ùn tắc giao thông vẫn kéo dài. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của chủ tịch TP Cần Thơ, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp buộc phải kéo dài thời gian xả trạm, tình hình quanh khu vực mới ổn định trở lại.

Ngày 4-1, tình trạng tài xế phản đối việc thu phí còn xảy ra ở trạm thu phí BOT Nam Bình Định (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), buộc chủ đầu tư phải xả trạm. Từ ngày 1 đến 3-1 cũng xảy ra tình hình tương tự tại trạm BOT Ninh An trên quốc lộ 1 qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa…

Chủ động tháo gỡ

Trước tình trạng gia tăng các “điểm nóng” BOT, ghi nhận của PV cho thấy phía chính quyền địa phương và nhà đầu tư đã tích cực, chủ động tháo gỡ; thậm chí tháo gỡ trước, xin phép Bộ GTVT sau, nhờ đó các “điểm nóng” đã tạm thời lắng xuống.

Trước phản ứng của tài xế tại các trạm BOT, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư lắng nghe, giải quyết những kiến nghị của người dân. Đồng thời phải đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1 A được thông suốt, không để xảy ra tắc nghẽn.

Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THể (trả lời Pháp Luật TP.HCM chiều 5-1) 

Chẳng hạn vụ BOT Sông Phan, trước một ngày các tài xế phản đối, chủ đầu tư trạm BOT Sông Phan là Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị giảm giá cho các chủ phương tiện quanh khu vực trạm Sông Phan là hai xã Hàm Minh và Hàm Cường (huyện Hàm Thuận Nam). Dự kiến Bộ GTVT sẽ có quyết định giảm giá trong tháng 1-2018.

Còn ở BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, ngay sau khi các tài xế phản đối, ngày 5-1, UBND TP Cần Thơ có công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị có chính sách miễn giảm phí để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị sớm miễn giảm giá 100% cho phương tiện không kinh doanh ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc; giảm 50% cho ô tô từ 10 chỗ trở lên và xe tải trên một tấn ở phường Ba Láng, xã Tân Phú Thạnh, thị trấn Cái Tắc. Đối với hộ dân, doanh nghiệp... sử dụng quãng đường dưới 5 km tính từ trạm, đề nghị cho hưởng chính sách miễn giảm. Đối với 23 phương tiện không có đăng ký xe chính chủ thuộc phường Ba Láng, đề nghị cho hưởng chính sách miễn giảm. Nhờ động tác kịp thời này, các tài xế hiện đã ngưng phản đối.

Tại trạm thu phí BOT Ninh An, chủ đầu tư là Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã kịp thời tổ chức đối thoại với hơn 100 chủ doanh nghiệp, tài xế trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Cuộc họp đi đến thống nhất sẽ miễn phí qua trạm đối với ô tô loại 1 đăng ký trên địa bàn 16 xã, phường thuộc thị xã Ninh Hòa. Đó là các ô tô dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới hai tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Sau đó chủ đầu tư, chính quyền địa phương sẽ đề nghị Bộ GTVT chấp thuận phương án miễn vé này. Trước đó, nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã thống nhất đề nghị Bộ GTVT cho giảm 50% phí đối ô tô loại 1 của 16 xã, phường trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.

Hôm nay, họp giải quyết vụ BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ngày 8-1 đơn vị sẽ làm việc với chủ đầu tư, chính quyền địa phương để rà soát, thống nhất phương án giải quyết phản ứng tại trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất là việc xác định những phương tiện không chính chủ để giải quyết miễn giảm. “Chúng tôi cũng mong tài xế tiếp tục chia sẻ vì chủ đầu tư bỏ tiền ra để làm đường, nếu khu vực nào cũng đòi giảm 100% sẽ rất khó và không đảm bảo phương án tài chính…” - vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc giảm phí BOT vẫn đang được Bộ GTVT tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đặc biệt, trong nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ GTVT cần rà soát tổng thể hình thức đầu tư BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bộ GTVT đang triển khai.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm