Giáo viên bối rối khi dạy môn tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm học 2021-2022 tiếp tục triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 2 và lần đầu tiên ở bậc THCS với lớp 6. 

Đối với lớp 6 xuất hiện hai môn học tích hợp đó là môn lịch sử và địa lý, môn khoa học tự nhiên.

Vật vã soạn giáo án

Năm học này, cô Dương Thị Mỹ Duyên, giáo viên (GV) Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức, được phân công phụ trách môn khoa học tự nhiên trong SGK lớp 6. Trước đó chuyên môn chính của cô là GV vật lý.

Trước khi bắt đầu năm học, cô và các GV khác đã được tham gia các lớp học bồi dưỡng về môn tích hợp. Bản thân GV đã có sự chuẩn bị về mặt kiến thức một cách cơ bản. “Tuy nhiên, do chúng tôi trước đây chủ yếu được đào tạo đơn môn. Trong khi môn khoa học tự nhiên có sự tích hợp kiến thức các phân môn vật lý, hóa học, sinh học nên trong quá trình dạy, tôi phải đầu tư học hỏi và nhờ sự trợ giúp chuyên môn từ các thầy cô khác” - cô Duyên nói.

Cô Duyên cho biết thêm đây là năm đầu tiên thay SGK lớp 6. Tuy nhiên, do dịch nên các em phải học trực tuyến. SGK mới, học trò mới, lại không có sự tiếp xúc trực tiếp với thầy cô nên ban đầu các em có sự bỡ ngỡ. Mặt khác, đặc thù của môn học cần phải có sự thực hành nhưng với tình hình giãn cách, học trên môi trường Internet rất khó thực hiện. Điều này đã phần nào khiến môn học khó có thể đạt được hiệu quả cao.

Tương tự, GV dạy môn lịch sử tại một trường THCS ở quận 12 cho biết năm nay cô dạy môn sử và địa. “Được đào tạo bốn năm đại học, sở trường của tôi là môn lịch sử trong khi mới tập huấn được mấy tháng giờ phải dạy thêm kiến thức môn địa lý, tôi hơi lo lắng. Bản thân tôi phải vừa dạy vừa học. Dạy bài nào học bài đó. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm bài học sẽ không hay nhưng tôi cố gắng đảm bảo kiến thức cho các em” - cô này nói thêm.

Cô cho biết thêm đối với môn lịch sử và địa lý, nếu để GV địa lý dạy phần kiến thức địa lý, GV sử dạy kiến thức sử thì sẽ ổn hơn. Tuy nhiên, sẽ gặp khó khăn trong quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh (HS). 

“Nhà trường đã quyết, chúng tôi phải chấp hành, cố gắng dạy và từng bước tìm cách tháo gỡ. Chưa kể, dạy học trên môi trường Internet, mạng chập chờn, lúc được lúc không rất khó có thể truyền tải hết kiến thức cho các em. Nói chung, khó đủ đường” - cô này chia sẻ thêm.

Giáo viên Trường THCS Cát Lái, TP Thủ Đức trong một tiết dạy trực tuyến với học sinh lớp 6. Ảnh: NTCC

Nhà trường động viên, tìm cách khắc phục

Để tháo gỡ khó khăn cho GV, cô Duyên cho biết nhà trường đã thành lập tổ chuyên môn lý - hóa - sinh. Tổ này gồm các thầy cô giảng dạy môn lý, hóa, sinh cùng phụ trách dạy môn khoa học tự nhiên. Các thành viên trong tổ sẽ trao đổi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức liên quan đến bộ môn thông qua các buổi họp, thao giảng, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề nhằm giảm bớt áp lực từ phía GV và HS.

Thừa nhận vấn đề trên, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Gò Vấp cho hay trường phân công môn tích hợp sẽ do một người dạy. “Ban đầu, các thầy cô rất lo lắng, sợ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Sau khi nghe tôi phân tích và động viên, họ đồng ý.

Đối với môn tích hợp, nếu phân công mỗi GV phụ trách một phần nội dung theo chuyên môn của mình sẽ rất cực cho tổ trưởng lẫn phó hiệu trưởng. Họ sẽ phải theo dõi một lúc năm môn, chưa kể khi chuyển từ kiến thức môn học này sang môn khác sẽ phải thay đổi thời khóa biểu. Trong khi đó, đối với một trường có 45 lớp thì việc này không đơn giản. Vì vậy, nhà trường vận động một GV đảm nhiệm luôn. Bởi kiến thức lớp 6 chưa khó, hơn nữa họ đã được đào tạo qua, tôi nghĩ họ sẽ làm tốt” - vị này chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, quận 6, cho hay đa phần GV đều được đào tạo đơn môn. Do đó, trước khi phân công nhiệm vụ GV dạy môn tích hợp, nhà trường đều gặp gỡ và làm công tác tư tưởng.

Tại trường, môn lịch sử và địa lý hay môn khoa học tự nhiên đều sẽ do một GV dạy. Tuy nhiên, trong quá trình dạy, họ sẽ được hỗ trợ từ đồng nghiệp. “GV chuyên về lịch sử sẽ đảm nhận soạn các vấn đề liên quan đến lịch sử. GV chuyên về địa lý sẽ chịu trách nhiệm các vấn đề về địa lý. Sau đó, các thầy cô sẽ hợp tác với nhau, thống nhất trong quá trình giảng dạy. Trong điều kiện hiện nay, nhà trường yêu cầu GV truyền tải những kiến thức cơ bản nhất. Những vấn đề khác sẽ được củng cố khi các em đi học tập trung” - bà Hồng nói.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, cho hay sau khi cân nhắc những ưu điểm, hạn chế, trường quyết định mỗi môn tích hợp sẽ do một GV đảm nhận. Bởi nếu như môn khoa học tự nhiên bố trí ba GV cùng dạy sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, đánh giá HS cũng là cả vấn đề. Ai sẽ ra đề, ai sẽ chấm và sẽ ký vào sổ học bạ.

Cũng theo bà Giang, việc một GV chuyên về lý, sinh hoặc hóa phải dạy môn khoa học tự nhiên sẽ không đơn giản. “Tuy nhiên, trường thường xuyên họp tổ chuyên môn để trao đổi kinh nghiệm, bản thân tôi luôn lắng nghe những phản hồi của GV để tháo gỡ. Vì thế, dù ban đầu sẽ khó nhưng không thể không dạy vì đó là nhiệm vụ của GV. Hơn nữa, tôi tin đã được tập huấn, GV sẽ có thể làm được” - bà Giang chia sẻ.

Tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021-2022

Đối với lớp 6, thực hiện chương trình mới, những nội dung phù hợp và thuận lợi cho HS khai thác, sử dụng hiệu quả SGK và học liệu dạy học trực tuyến, nhà trường sẽ tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Đối với những nội dung yêu cầu HS thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học hoặc hướng dẫn HS tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế…

Đối với lớp 7 đến 12, dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình năm 2006 và điều chỉnh nội dung các môn, nêu rõ những phần GV cần làm, HS tự học, tự đọc, tự thực hiện.

Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm