Một ngày sau khi hai miền Triều Tiên đấu pháo và đổ lỗi cho nhau rằng phía bên kia khai hỏa trước, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp vừa mang tính chất biểu dương sức mạnh, vừa gây sức ép với CHDCND Triều Tiên.
Ngày 24-11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young tuyên bố trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội quân đội sẽ triển khai các dàn phóng tên lửa K9 trên đảo Yeonpyeong và thay thế pháo 105 mm bằng các dàn pháo với tầm bắn xa hơn.
Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo Hàn Quốc đã quyết định ngưng các khoản cứu trợ nạn nhân lũ lụt đã cam kết trước đây với CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, bộ chỉ huy lực lượng của LHQ tại Hàn Quốc do Mỹ chỉ huy đã ra thông cáo kêu gọi đàm phán cấp tướng với quân đội CHDCND Triều Tiên thông qua các chuyến công tác ở Bàn Môn Điếm để trao đổi thông tin và xoa dịu căng thẳng. Thông cáo cho biết lực lượng của LHQ sẽ điều tra vụ hai miền Triều Tiên đấu pháo trong khuôn khổ nhiệm vụ giám sát đình chiến.
Gương mặt căng thẳng của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 23-11. Ảnh: KOREA TIMES
Nhà Trắng thông báo Mỹ và Hàn Quốc nhất trí sẽ tiến hành tập trận chung từ ngày 28-11 đến 1-12 tới. Mỹ đã điều động tàu sân bay hạt nhân USS George-Washington (chở 75 khí tài quân sự với hơn 6.000 quân) đến khu vực Triều Tiên. Sáng 24-11, tàu đã rời cảng ở Tokyo (Nhật).
Song song theo đó, hàng loạt hoạt động ngoại giao đã được khởi động để xoa dịu tình hình căng thẳng. Phản ứng của Mỹ khá thận trọng. Nhà Trắng lên án mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Obama nhận định còn quá sớm để dự kiến phát động hành động quân sự nào.
Trả lời đài truyền hình Mỹ ABC, Tổng thống Obama nhấn mạnh trước tiên Mỹ phải làm việc với các đối tác của vòng đàm phán sáu bên (hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật, Nga, Mỹ) để tìm một giải pháp đồng thuận. Ông cũng mời gọi Trung Quốc nhắc nhở CHDCND Triều Tiên rằng có nhiều nguyên tắc quốc tế mà CHDCND Triều Tiên cần phải tôn trọng.
Nhiều nghị sĩ Mỹ như thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Howard Berman đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giữ vai trò có trách nhiệm để thay đổi thái độ của CHDCND Triều Tiên.
Sau đó đến lượt Thủ tướng Nhật Naoto Kan đã kêu gọi Trung Quốc phối hợp nỗ lực kiềm chế CHDCND Triều Tiên vì Trung Quốc có ảnh hưởng quan trọng đến CHDCND Triều Tiên.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Seiji Maehara đã tiếp đại sứ Trung Quốc tại Tokyo. Hai bên nhất trí hai nước sẽ hợp tác xoa dịu căng thẳng. Bộ trưởng phụ trách chính sách kinh tế và ngân sách Banri Kaieda cho biết Nhật có thể tăng cường cấm vận đối với CHDCND Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng đã tính toán khởi động lại vòng đàm phán sáu bên trong thời gian sớm nhất.
Ngày 24-11, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc ngày 24-11 đều không chỉ trích Bình Nhưỡng. Nhật báo Global Times có bài bình luận nhận định chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên đã thất bại và nhận định CHDCND Triều Tiên đã tỏ thái độ kiên quyết trong vụ đụng độ. Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn nguồn từ Bình Nhưỡng nói Hàn Quốc đã bắn sang lãnh thổ CHDCND Triều Tiên và đó là thái độ khiêu khích quân sự nguy hiểm. Báo China Daily đưa ra trang nhất tựa đề: CHDCND Triều Tiên lên án Hàn Quốc nổ súng đầu tiên. Đài truyền hình trung ương phát các đoạn trích từ truyền hình CHDCND Triều Tiên lên án Hàn Quốc là nguyên nhân vụ đấu pháo. |
HOÀNG DUY (Theo AFP, AP, Reuters)