Gần 100% nhà máy của doanh nghiệp gỗ tại TP.HCM dừng hoạt động

Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết: xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong hai quý đầu năm đạt 8,205 tỉ USD, tăng 62,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp FDI đạt 4,349 tỷ USD, tăng trên 120% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước.

Theo đại diện HAWA, hiện nay đa số các doanh nghiệp (DN) đã ký kết được các đơn hàng để sản xuất cho đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang ngày càng trở nên căng thẳng, hơn 50% các nhà máy do HAWA khảo sát phải tạm thời đóng cửa hoặc giảm quy mô sản xuất.

Điều này gây ra báo động lớn cho ngành về việc mất thị trường, mất khách hàng và  sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát nhanh của HAWA về tình hình hoạt động của 171 DN ngành gỗ và mỹ nghệ tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các tỉnh miền Trung, Miền Bắc trong giai đoạn dịch COVID-19 cho thấy 88 DN tạm ngưng hoạt động, chiếm 51%.  

Tổng số DN còn duy trì hoạt động là 83 đơn vị, chiếm 49% tổng số lao động chỉ còn 26.078 người, giảm gần 50% so với lao động trước dịch.

Các doanh nghiệp đang duy trì sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. 

Đối với mảng bán lẻ tại thị trường nội địa (chiếm 25%), gần 100% DN phải tạm ngưng hoạt động, doanh thu sụt giảm 90%.

Theo đại diện HAWA, những DN đang duy trì hoạt động sản xuất cho biết ngoài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến năng suất lao động, doanh thu bị sụt giảm cũng như các chi phí tổ chức hậu cần cho người lao động gia tăng, DN còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đơn cử như yêu cầu xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ người lao động bảy ngày/lần, là một trong những gánh nặng về tài chính lớn của DN.

Thêm nữa, đặc thù ngành gỗ và mỹ nghệ là ngành có sự đa dạng về chủng loại nguyên vật liệu với hệ thống cung ứng, nhà máy gia công trải khắp các tỉnh thành.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách áp dụng Chỉ thị 16 ở mức độ khác nhau, không nhất quán đã gây nên việc ách tắc lưu thông thông nguyên phụ liệu, hàng hóa khiến DN không thể duy trì được hoạt động.

"Đáng chú ý gần như toàn bộ các nhà máy của DN ngành gỗ tại khu vực TP.HCM đã phải ngưng hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ", HAWA cho hay.

Do đó, HAWA kiến nghị đối với nhóm DN đang duy trì sản xuất, cần hỗ trợ chi phí phụ cấp sinh hoạt cho người lao động đang làm việc tại nhà máy. Cần tháo gỡ khó khăn cho DN trong lưu thông hàng hóa nguyên vật liệu liên tỉnh.

Đồng thời, có hướng dẫn nhất quán cho các địa phương về việc thực hiên triển khai Chỉ thị 16 để tránh việc áp dụng không nhất quán, gây khó khăn, ách tắc cho DN.

Đối với những DN đang tạm ngưng sản xuất vì dịch bệnh, cần hỗ trợ tài chính cho DN trợ cấp công nhân đang tạm nghỉ việc nhằm giữ chân người lao động tránh bỏ việc, rời khỏi địa phương hoặc dịch chuyển sang các ngành khác.

Tính đến 4-8, HAWA đã ghi nhận đăng ký nhu cầu tiêm vaccine của 208 DN cho hơn 80.000 người lao động đang trực tiếp làm việc tại các nhà máy sản xuất ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ.

Hiện nay TP.HCM đang triển khai tiêm chủng diện rộng. Do đặc thù của ngành, các DN có trụ sở, văn phòng, showroom TP.HCM nhưng nhà máy lại đặt tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… Do vậy, người lao động đang làm việc tại các nhà máy không được ưu tiên theo chính sách tiêm của thành phố.

“Trong buổi làm việc cùng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 5-8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã nắm được các kiến nghị của HAWA, đề nghị Sở nông nghiệp và Phát triển nôn thôn các địa phương hỗ trợ ưu tiên vaccine cho người lao động tại các nhà máy 3T, bảo đảm duy trì sản xuất” - đại diện HAWA cho biết.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm