Ở Mỹ, công chứng viên không phải học khóa huấn luyện nghiệp vụ tư pháp đặc biệt nào mà chỉ cần thực hành đúng theo sách hướng dẫn của Hiệp hội Công chứng quốc gia là đủ.
Hiện nay, trên toàn nước Mỹ có gần năm triệu công chứng viên đang hoạt động chứng thực các loại giấy tờ phục vụ quyền lợi tư pháp cho người dân. Lấy trường hợp của anh L. làm ví dụ.
Sau ba ngày nộp đơn qua mạng xin làm công chứng viên, anh nhận được giấy bổ nhiệm công chứng viên của bang Texas gửi về.
Cầm giấy bổ nhiệm, các thông cáo về Hiệp hội Công chứng quốc gia và tập catalogue giới thiệu nhiều mẫu dấu công chứng, anh gọi điện thoại hỏi vài người bạn thân đang làm công chứng viên và là chủ các văn phòng dịch vụ tư pháp, du lịch, khai thuế để họ giúp anh nên chọn mẫu con dấu nào cho oai một chút.
Con dấu hình chữ nhật giá 19 USD, dấu hình tròn 25 USD, tất cả đều làm bằng nhựa có mực sẵn dùng được hơn 2.000 lần. Nếu là dấu đồng đóng nổi thì giá 90 USD, kể cả con tem mạ nhũ vàng nữa. Con dấu đồng coi bảnh, lại nổi rõ tên người công chứng giữa con dấu y như con dấu của mấy bộ trưởng làm trong cơ quan chính phủ.
Mỗi con dấu đóng vào giấy tờ cho người cần chứng thực, anh L. dự tính sẽ thu về 5 USD. Đến khi đọc quảng cáo ở các văn phòng dịch vụ của luật sư, anh thấy văn phòng chỉ thu có 1 USD. Thậm chí khách hàng của bất kỳ ngân hàng nào cũng đều có thể xin nhân viên ngân hàng công chứng giấy tờ mà không phải mất xu nào.
Sau đó, anh L. điền vào phiếu đặt hàng. Đọc kỹ vấn đề mua bảo hiểm chứng thực để đề phòng lỡ xảy ra sai sót, anh quyết định mua bảo hiểm cho nghề công chứng của mình.
Mấy hôm sau, anh nhận được một gói bưu phẩm gửi về, trong đó có con dấu, sách hướng dẫn sử dụng, các mẫu hướng dẫn lời thề, lời tuyên thệ, lời khẳng định để tùy trường hợp giấy tờ chứng thực mà người công chứng phải đánh máy và ghi chú lại các văn bản do người chứng thực xác nhận (record book). Thế là anh phải tìm mua thêm cái máy đánh chữ.
Từ ngày có con dấu công chứng và chính thức hành nghề ngoài giờ làm việc, anh L. giới thiệu với bạn bè khắp nơi có cần chứng nhận giấy tờ gì thì anh sẵn sàng giúp đỡ. Tiếp theo, để quảng bá nghề công chứng cho hàng xóm và người qua lại biết, anh mua tấm bảng sắt cắm xuống bãi cỏ trước nhà.
Hai tháng trôi qua, chưa có người bạn hay người khách nào đến nhờ anh chứng nhận giấy tờ. Hên là anh định ngồi làm ở nhà thử xem sao chứ chưa mở văn phòng công chứng. Số vốn bỏ ra hơn 200 USD để kiếm thêm thu nhập từ nghề công chứng xem ra còn lâu mới thu hồi được.
Ở Mỹ, giấy tờ người dân cần công chứng hay chứng thực bản sao rất nhiều nhưng với số lượng gần năm triệu công chứng viên thì làm nghề công chứng e ra không khá lắm. Hầu hết công chứng viên đều làm tại văn phòng luật sư, công ty địa ốc, khai thuế, ngân hàng hoặc cơ quan dịch vụ tư pháp.
Với rất nhiều văn bản không cần chứng thực, người dân có thể sử dụng bản sao chụp. Giấy tờ cần công chứng thường liên quan đến mua bán nhà cửa (mua bán xe không cần công chứng), bảo lãnh thân nhân hoặc giấy tờ liên quan đến thừa kế dân sự.
Nguời chứng nhận (công chứng viên) chịu trách nhiệm trước luật pháp nếu gian dối, chứng nhận sai sự thật hoặc chứng nhận khống. Mọi chứng nhận đều được ghi vào sổ lưu về ngày giờ, giấy tờ chứng nhận, số bằng lái xe hoặc chứng minh thư của người đi chứng nhận giấy tờ. Lệ phí thu cũng được ghi vào sổ để biết tổng thu nhập của công chứng viên khi khai thuế cuối năm.
Xem ra nghề công chứng ở Mỹ chỉ là một nghề phục vụ tư pháp ăn theo nên khó có thể kiếm sống ngon lành!
Tại Mỹ, công dân muốn trở thành công chứng viên phải trên 18 tuổi, đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự. Con dấu công chứng có thời hạn bốn năm, hết hạn sẽ gia hạn bốn năm tiếp. Công chứng viên không được xác nhận giấy tờ cho thân nhân trong gia đình như vợ hoặc con, ngược lại đối với cha mẹ, anh em thì được. Công chứng viên không đòi hỏi phải có bằng cấp học vấn. Ở một vài nước trên thế giới, công chứng viên phải có văn bằng đại học ngành luật hoặc ngành tư pháp. |
NGỌC LINH (Cộng tác viên từ Mỹ)