Nhiều lợi thế để “lên đời” cho huyện Nhà Bè

(PLO)- Theo các chuyên gia, cần có khung chính sách để làm cơ sở phát triển huyện Nhà Bè là đô thị vệ tinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-6, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP đã tổ chức hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM”. Từ vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế sẵn có, các nhà khoa học đánh giá huyện Nhà Bè có đủ điều kiện để phát triển thành khu đô thị (KĐT) vệ tinh ở phía nam TP.

Những lợi thế sẵn có

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên Trường ĐH Fulbright, năm 1997, mô hình thí điểm Khu chế xuất Tân Thuận được đánh giá là thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đại lộ Nguyễn Văn Linh đã thông xe đưa vào sử dụng. Cùng với đó là KĐT mới Phú Mỹ Hưng đã từng bước hình thành thì vùng đất ngập mặn huyện Nhà Bè được đánh giá là có thể xây dựng thành khu công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Sau đó, vùng này phát triển mạnh nên TP đã cắt quận 7 thành một quận riêng và là một trong những quận phát triển nhanh, hiện đại nhất của TP. Phần còn lại là huyện Nhà Bè. Khi TP xác định hướng phát triển của TP là tiến ra Biển Đông thì cũng đã có những dự án đầu tư, tạo nền tảng cho định hướng này. Những dự án đó, theo ông Dưỡng, đến hôm nay chính là những lợi thế, tạo động lực cho huyện Nhà Bè phát triển.

Ông Dưỡng cho rằng phát triển huyện Nhà Bè hiện nay luôn phải gắn liền với quận 7, vốn là phần phát triển nhất của huyện Nhà Bè trước đây. Cụ thể là Khu chế xuất Tân Thuận với quy mô 300 ha tại phường Tân Thuận Đông. Khu chế xuất này đến năm 2041 là hết thời hạn cho thuê đất, công năng cũng thay đổi. Diện tích 300 ha này sẽ là “đất kim cương” cùng với KĐT Phú Mỹ Hưng, tuyến đường Nguyễn Văn Linh và KĐT Nam TP hơn 2.600 ha là lợi thế lớn cho vùng Nhà Bè.

Bên cạnh đó là các lợi thế sẵn có của KĐT cảng Hiệp Phước, sông Soài Rạp, dự án xây dựng trục Bắc - Nam, tuyến đường nối Khu công nghiệp Hiệp Phước vào trung tâm TP. Đây là tuyến đường TP đang cho triển khai xây dựng với lộ giới 60 m, xuyên qua nội thành nối các huyện Hóc Môn, Củ Chi đến Campuchia. Đây cũng là trục lộ Bắc - Nam quan trọng của TP sau này, nối với đường Xuyên Á, từ Thái Lan qua Campuchia đến TP.HCM, cuối hướng tuyến đông là cảng nước sâu Hiệp Phước sẽ hình thành trong tương lai.

Đường Nguyễn Hữu Thọ là một trong những trục đường chính nối huyện Nhà Bè với khu vực trung tâm TP. Ảnh: NGUYỄN TÂM

Đường Nguyễn Hữu Thọ là một trong những trục đường chính nối huyện Nhà Bè với khu vực trung tâm TP. Ảnh: NGUYỄN TÂM

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa được ông Dưỡng chỉ ra là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tuyến đường thông qua huyện Nhà Bè vượt sông Soài Rạp để kết nối từ các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Dưỡng đánh giá tuyến đường này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho huyện Nhà Bè, KĐT cảng Hiệp Phước. “Trên đây là những ưu thế đã có được của Nhà Bè nếu chúng ta quyết tâm xây dựng Nhà Bè thành một KĐT vệ tinh của TP” - ông Dưỡng nói.

Cần khung pháp lý rõ ràng

Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng đồng tình với việc cần phải sớm nghiên cứu toàn diện, cẩn trọng để phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP.HCM nhằm “giảm tải” cho TP. Đồng thời cũng nằm trong chương trình phát triển huyện này lên quận hoặc TP theo đề án của chính quyền TP.

Bên cạnh những lợi thế, các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng có nhiều vấn đề cần phải cân nhắc kỹ khi phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh, thành quận hoặc TP. Cụ thể như phải đặt huyện Nhà Bè trong cái nhìn tổng thể và trong liên kết vùng với các tỉnh lân cận, các địa phương giáp ranh và với trung tâm TP. Quy hoạch huyện Nhà Bè không thể tách rời quy hoạch chung của TP.

Cùng với đó, cần phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để tính toán việc kết nối với nội vùng TP. Bởi hiện nay, các tuyến đường nối từ các quận trung tâm đến quận 7, huyện Nhà Bè đều ách tắc. Nhất là tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối qua Khu chế xuất Tân Thuận và KĐT Phú Mỹ Hưng luôn kẹt xe. Các chuyên gia gợi ý có thể mở rộng tuyến đường Nguyễn Tất Thành để tăng sự kết nối với khu nội thành…

TS Nguyễn Đức Trí, ĐH Kinh tế TP.HCM, góp ý về vấn đề giao thông, huyện Nhà Bè cần chọn ưu tiên phát triển cho hai cực bắc - nam của huyện. Theo TS Nguyễn Đức Trí, khu vực phía bắc huyện Nhà Bè gần khu trung tâm nên có lợi thế về thương mại dịch vụ, cũng là nơi có mật độ dân cư cao nhất huyện. Hiện nay đã có nhiều khu vực được quy hoạch làm khu dân cư của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. “Tôi cho rằng nên ưu tiên cho thương mại dịch vụ và dành nhiều không gian trống để phát triển tiện ích đô thị trong tương lai hơn là lấp đầy bằng khu dân cư” - ông Trí nói.

Theo ông Trí, việc phát triển dân cư nên hướng về phía nam, nơi có KĐT cảng Hiệp Phước. “Không những tạo được động lực phát triển cho KĐT cảng mà còn góp phần làm lan rộng hoạt động thương mại dịch vụ xuống nơi này. Đây cũng là nơi tiếp giáp trục cao tốc Bến Lức - Long Thành, giúp Nhà Bè trở thành trung tâm cung ứng thương mại dịch vụ cho Long An, Đồng Nai, cũng như khai thác các lợi thế logistics, cảng biển, cảng hàng không” - ông Trí đánh giá.

Các chuyên gia đều đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của huyện Nhà Bè nhưng cần phải có khung chính sách pháp lý rõ ràng, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP, cho rằng: “Không nên để tình trạng có mô hình phát triển rồi nhưng chưa có khung chính sách”.•

Nên phát triển Nhà Bè từ huyện lên TP

Việc Nhà Bè sẽ là quận hay TP thì cần phải nghiên cứu thấu đáo. Trước mắt, với tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển, nhất là lợi thế sông nước, lợi thế về mảng xanh, nghỉ dưỡng, phát triển du lịch sinh thái thì huyện Nhà Bè nên phát triển thành TP, đô thị vệ tinh hơn là chuyển thành quận.

Đây là động lực mới góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển bền vững của TP, đồng thời phát triển TP theo hướng xanh, sạch, hiện đại. Cũng như Thủ Đức, Nhà Bè cũng phải có những chuẩn bị cần thiết để thành KĐT vệ tinh. Về phía TP cũng cần phải tăng đầu tư hạ tầng kết nối, phân cấp, ủy quyền cho TP đô thị vệ tinh…

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.