Nhờ người lạ giám hộ cho con nhỏ: Phường rối!

“Chiếu theo Luật Hôn nhân và Gia đình, tôi muốn đề nghị ai làm giám hộ cho con mình thì tôi sẽ nhờ người đó. Cớ sao phường không chịu giải quyết?” - bà B. đặt câu hỏi.

Lạ nên phường không chứng

Đầu tháng 4, bà B. đã mang đơn đến phường X. (quận 3, TP.HCM) nhờ cử người giám hộ cho đứa con khoảng bảy tuổi. Bà cho biết muốn giao lại nhiều tài sản cho con nhưng không muốn cho chồng giám hộ (vì nhiều lý do tế nhị). Do vậy, bà đề nghị phường chấp nhận để một người quen của bà giám hộ cho đứa trẻ này.

Sau khi xem xét, phường thấy yêu cầu của bà B. chưa hợp lý nên trả lại hồ sơ. Phường lý giải, theo quy định của Bộ luật Dân sự, cha mẹ là người giám hộ đương nhiên cho con chưa thành niên. Nếu vì lý do nào đó cha mẹ không giám hộ được thì anh chị em ruột đã thành niên và đủ điều kiện là giám hộ đương nhiên cho em. Nếu không thì là ông bà nội, ngoại. Không nữa thì tới lượt cô dì, chú bác ruột. Ở đây, các điều kiện kia đều đáp ứng khá đủ. Do vậy, người lạ xuất hiện là không được!

Ngay sau đó, bà B. phản ứng vì cho rằng yêu cầu của mình không có gì sai luật và làm đơn khiếu nại. Theo bà, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cha mẹ còn sống nhưng không có điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ có thể cử người khác giám hộ cho con… Như vậy, luật trên không cấm cha mẹ ruột không được quyền nhờ người lạ làm giám hộ cho con nên bà có quyền nhờ người khác làm giám hộ.

Nhờ người lạ giám hộ cho con nhỏ: Phường rối! ảnh 1

Phường đúng

Trước những lý lẽ của bà B., phường thấy cũng có cơ sở (!?). Tuy nhiên, nếu theo Bộ luật Dân sự, phường cũng không sai... Hiểu thế nào cho đúng thì phường thú thật là giờ cũng đang rối, chưa biết giải quyết ra sao.

“Tôi cho rằng việc giám hộ cho người chưa thành niên… là vấn đề quan trọng và đã được pháp luật lưu tâm kỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ luật Dân sự lại quy định cha mẹ, anh chị em, ông bà nội, ngoại… là người giám hộ đương nhiên. Quy định vậy là để đảm bảo người được giám hộ vẫn luôn được sự quan tâm, chăm sóc… của những người thân cận trong gia đình, sống trong môi trường của gia đình. Một người lạ vào giám hộ khó có thể đáp ứng được những vấn đề trên.

Do vậy, khi những người giám hộ đương nhiên không có hoặc không có điều kiện thì mới tới lượt người khác. Phường đã nhận định bé vẫn còn có người giám hộ đương nhiên khác. Nên theo quy định của Bộ luật Dân sự, không chấp nhận để người lạ giám hộ cho cháu bé” - luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, nêu quan điểm.

Đồng tình, luật sư Vương Thị Hẹn, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh phường không chứng thực việc cử giám hộ là chính xác. Bởi lẽ căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu bà B. không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì có quyền nhờ người khác. Tuy nhiên, bà B. chỉ được ủy quyền trong việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chứ không thể giám hộ giữ tài sản mà cha mẹ cho con.

Phường sai

Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Như vậy hiểu rộng ra việc giám hộ không chỉ là chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục mà có thể là quản lý tài sản. Chính vì thế, áp dụng cả Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, bà B. có thể đề cử một người khác (ngoài những người giám hộ đương nhiên) giám hộ và quản lý tài sản cho con mình. Lúc này phường phải chứng thực.

Luật sư PHẠM QUỐC HƯNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm