Ngót nửa thế kỷ vẽ truyền thần, ông là một trong số ít họa sĩ còn lại của nghề này ở Sài Gòn.
Chốc chốc ông sửa cặp kính lão, nhìn chăm chú vào bức ảnh cũ có gương mặt người chỉ nhỏ bằng hạt bắp, ố vàng thời gian.
Theo ông Lợi, nghề vẽ truyền thần xuất phát từ Trung Quốc cách đây vài trăm năm. Đó là nghệ thuật truyền lại nét thần của người được vẽ. Đầu thế kỷ XX, vẽ truyền thần du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành dịch vụ thời thượng. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển của máy ảnh và kỹ thuật rọi ảnh, những hiệu vẽ truyền thần cũng ồ ạt xuất hiện ở Hà Nội rồi lan ra cả nước.
Thời vang bóng
Ông Lợi kể thời ấy để sở hữu một bức chân dung của mình, khách phải bỏ ra rất nhiều tiền. Vì vậy, các cửa hiệu vẽ truyền thần thường chỉ là nơi của những gia đình khá giả, các tiểu thư đất Hà thành thanh lịch. Vốn yêu thích hội họa, có năng khiếu, ông Lợi thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp lớp họa sĩ năm 1959.
Ra trường, ông về công tác ở Đoàn Xiếc trung ương với chuyên môn vẽ chân dung nghệ sĩ và thiết kế sân khấu xiếc. “Thời đó, một bức ảnh chân dung được chụp ở hiệu ảnh rất đắt tiền, kinh phí đoàn xiếc không nhiều vì chủ yếu diễn phục vụ quần chúng miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên tất cả chân dung nghệ sĩ là do tôi vẽ. Nói thì đơn giản nhưng làm thế nào để diễn tả động tác một nghệ sĩ ngồi trên lưng voi hay nhào lộn mà gương mặt lại giống là một áp lực rất lớn. Không chỉ có vậy, hình ảnh người nghệ sĩ phải liên tục được thay đổi để tránh nhàm chán cho khách xem xiếc. Tôi phải quan sát rất lâu rồi vẽ lại bằng trí nhớ…” - ông Lợi nói.
Năm 1982, khi con cái đã lớn, học hành đàng hoàng, ông rời đoàn xiếc, dẫn theo vợ vào Nam để lãng du cho thỏa chất nghệ sĩ khi đất nước đã yên bình. Ngày đầu tiên vào đến Sài Gòn, ông choáng ngợp trước vẻ đẹp hiện đại, hào sảng của đô thị trẻ nên quyết tâm định cư ở đây. Sẵn nghề vẽ truyền thần, ông ra vỉa hè Điện Biên Phủ làm nghề. Biết tiếng ông là họa sĩ từng công tác cho Đoàn Xiếc trung ương, nhiều cơ quan, công sở tìm tới ông để nhờ vẽ ảnh Bác Hồ, Các Mác, Lênin… về treo hội trường. Những lúc vẽ Bác Hồ, ông luôn vẽ rất say mê, hứng khởi và cố gắng cao nhất để thể hiện hình ảnh đẹp nhất của Bác. “Tôi đã vẽ hàng trăm bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc đến từng chi tiết. Bây giờ tôi có thể vẽ lại mà không cần nhìn ảnh mẫu” - ông Lợi khoe.
Ông Lợi đang hoàn thành bức vẽ. Ảnh: THANH NHÃ
Một trong những nguồn thu nhập chính của ông thời bấy giờ là vẽ lại chân dung người thân qua những bức ảnh cũ để thờ cúng. Bên cạnh đó là lượng khách hàng muốn vẽ lại những bức ảnh thời trai trẻ, thiếu nữ xinh đẹp của mình đã ố màu. “Đơn giản là vì lúc này chưa có những phần mềm phục chế ảnh cũ như bây giờ, cũng chẳng có máy ảnh kỹ thuật số chụp là xem ảnh ngay được” - ông Lợi lý giải.
Trầm ngâm góc phố
Gần 50 năm ông sống với nghề vẽ, nuôi cả gia đình với bao lo toan, thăng trầm.
Thời đại lên ngôi của các phương tiện chụp ảnh kỹ thuật số, các phần mềm phục chế ảnh cũ dần đẩy người thợ vẽ truyền thần lâm vào khó khăn, đẩy luôn cái nghề nhiều tinh hoa này dần mai một. Khách hàng tìm đến ông cũng thưa dần. Có chăng chỉ là một phần ít ỏi những người hoài cổ, những tấm ảnh dán vào khung kiếng bị bong tróc, nhỏ bé mà máy móc hiện đại khó có thể tỉ mỉ phục chế…
Đồ nghề của ông cũng chẳng có gì “công nghệ” lắm, chỉ là vài thanh tre vót nhỏ, đập dập đầu và một ít bột màu cùng chiếc giá vẽ theo ông hơn 20 năm nay. Ông nói vẽ truyền thần khó nhất ở đôi mắt nhân vật. Một bức truyền thần không cho thấy sự sống động của đôi mắt thì chỉ là một vuông giấy nguệch ngoạc vứt đi. Vì vậy, ông tốn rất nhiều thời gian để thể hiện đôi mắt. Đó không phải đôi mắt nhân vật mà là đôi mắt người nghệ sĩ tận tâm.
Sự tỉ mỉ, chính xác giúp ông vẫn giữ được khách hàng. Chỉ tay vào tấm ảnh một thiếu nữ e ấp đã vẽ xong, ông kể đây là tấm ảnh chân dung của một tiểu thư ở Long An. Sự quý phái, kiêu kỳ thiếu nữ được thể hiện bằng sợi chuỗi ngọc trai cô đeo trên cổ áo dài gấm hoa. 40 năm sau, cô ấy giờ đã già nhưng muốn phóng lớn ảnh xưa nên tìm lên nhờ tôi vẽ. Cách đây mấy ngày, một người ở miền Bắc cũng tìm đến ông để nhờ vẽ lại chân dung cụ cố của gia đình trong bức ảnh chung gia tộc. Gương mặt cụ cố trong tấm ảnh 9 x 12 cm chỉ bé bằng hạt lựu. Sau vài giờ đồng hồ, ông Lợi đã vẽ lại chân dung cụ thật phúc hậu với chòm râu trắng cước, vầng trán uyên bác cùng đôi mắt, nụ cười dung dị trên khổ giấy A3 trong sự xúc động của người nhà.
Không chỉ vẽ theo ảnh đã có sẵn, ông Lợi còn rất mực tài hoa khi vẽ qua… trí nhớ của gia đình khách hàng. Đó là cái lần người ta đem xe hơi tới rước ông lên Củ Chi. Gia đình khách có truyền thống cách mạng, người được vẽ là liệt sĩ. Thuở trước, nhà nghèo nên người nằm lại chiến trường không có di ảnh để thờ. Nay con cháu làm kinh tế khá giả nên nhờ ông vẽ. Mấy đứa cháu nội, ngoại được gọi ra đứng xếp hàng, người nhà chỉ tay bé này giống ông cái mũi, bé kia giống ông đôi mắt. Ông Lợi cố gắng thu lượm những hình mẫu rồi tưởng tượng ra vẽ. Khi bức ảnh được hoàn thành, cả gia đình ồ khóc. Người thương yêu trong gia đình họ đã về với đầy đủ diện mạo…
Chưa có bài báo nào viết về ông, cũng như chưa có thông tin nào về ông được phát tán trên mạng nhưng từ tận trời Tây xa xôi, nhiều Việt kiều khi về nước cũng tìm tới ông nhờ vẽ. “Họ ở nước văn minh, hiện đại, chắc chắn việc chụp ảnh, làm hình là thừa mứa nhưng họ vẫn yêu cái nghề thủ công này. Mỗi năm tôi vẽ khoảng 20 bức cho kiều bào” - ông Lợi bộc bạch.
Tha thiết yêu đời
Ba năm trước, người vợ hiền của ông qua đời. Căn phòng trọ giờ bỗng hóa thênh thang với một ông già thất thập cổ lai hy. Nhưng rồi nỗi buồn qua nhanh, vì ông hiểu điều vô thường của cuộc đời bằng trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ.
Mỗi ngày từ 8 giờ sáng, ông lại trầm ngâm, suy tư bên vỉa hè Điện Biên Phủ với những tác phẩm của mình. Dĩ nhiên vẽ để kiếm tiền nhưng chưa bao giờ ông nặng lòng với nó. “Tôi đã thấy niềm vui của người được vẽ, thấy hạnh phúc trong đôi mắt người thân khi nhìn lại hình ảnh người quá cố. Và tôi thấy hạnh phúc của mình” - ông cười dung dị.
Hiện nay giá thành để vẽ một bức chân dung được ông thực hiện là 300.000 đồng/tấm khổ A3. Thông thường ông mất khoảng 5 giờ để vẽ xong một bức. Những lúc không có khách đặt hàng, ông lại ngồi đọc báo để cập nhật tin tức thời sự, để hiểu biết xã hội mà nuôi dưỡng cái nhìn thời cuộc của nghệ sĩ.
Ông khoe, báo chí viết giới trẻ bây giờ sành điệu lắm, hiện đại lắm nhưng ông thấy họ rất dễ thương vì mỗi ngày đều có những bạn trẻ yêu thích vẽ chân dung tìm đến ông nhờ vẽ. Không ít bạn trẻ là sinh viên, học sinh rất chịu khó ngồi hàng giờ để ông hoàn thành bức tranh. Họ yêu cái nét mộc mạc của bột than giữa thời buổi sau cái click cò máy ảnh là có thể xem ảnh ngay.
“Mỗi ngày tôi đều dành thời gian tập thể dục, vẽ chơi. Tôi vẽ cô đào nổi tiếng của điện ảnh thế giới như Marilyn Monroe, nhà văn Balzac, nhà soạn kịch vĩ đại W. Shakespeare… Và đương nhiên, tôi vẽ những gương mặt Sài Gòn. Tôi yêu cuộc sống này nữa” - ông hồ hởi nhìn, nói, chấm cọ vào tranh giữa ồn ào phố thị.
THANH NHÃ - SƠN LÂM