Ông ủy viên VFF nói về kẽ hở của VFF

Gọi ông Nguyễn Nam Hùng là nạn nhân vì ngoài chuyện ở VFF, ông còn là phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, từng chỉ đạo trực tiếp đào tạo lứa trẻ và đang là giám đốc điều hành CLB nhưng ông đang bức xúc vì luật VFF không ủng hộ các địa phương đào tạo và giữ tài năng trẻ.

Ông ủy viên VFF Nguyễn Nam Hùng than thở: “Tiền Giang chúng tôi có rất nhiều tài năng trẻ, trong đó có nhiều cầu thủ đã lên đội tuyển hoặc U-23 như Long Giang, Phúc Hiệp, Nhật Tân, Quốc Anh... Thế nhưng bây giờ thì chúng tôi đang đứng trước cảnh có thể mất trắng những tài năng trẻ này do các em chỉ còn sáu tháng nữa là qua tuổi 23, tức kết thúc hợp đồng đào tạo. Và đến lúc này thì chúng tôi đang bị những CLB giàu có đổ tiền vào nhử cầu thủ trẻ chúng tôi rời Tiền Giang về những nơi tiền nhiều, lương cao”.

Ông Hùng dẫn chứng cụ thể là tuyển thủ Nguyễn Thành Long Giang về CLB từ thuở 13 tuổi, đến năm 18 tuổi mới đá được đội trẻ. Sau đó lên tuyển nhiều hơn đội nhà. Giờ chưa đến 23 tuổi đã xin đi. Ông than: “Chúng tôi mất bảy năm đào tạo và tốn nhiều công sức nhưng tính lại thì em đã phục vụ cho Tiền Giang được bao nhiêu. Đau hơn là nhìn vào Giang, nhiều cầu thủ trẻ và nhiều đội bóng nhà giàu đã vịn vào kẽ hở ấy để hút hết nhân tài, gây chán nản cho những lò đào tạo.

Ông ủy viên VFF nói về kẽ hở của VFF ảnh 1

Long Giang được đào tạo ở Tiền Giang nhưng bắt đầu có tiếng rồi lên tuyển lại bị địa phương khác hoặc CLB khác có tiền bắt đi. Ảnh: XUÂN HUY

Long Giang khi chuẩn bị ra đi đã thuê hẳn luật sư để chuẩn bị mọi thủ tục sẵn sàng kiện ngược lại CLB, đội bóng. Lãnh đạo CLB chúng tôi càng sững sờ hơn khi em này còn chuẩn bị sẵn một cọc tiền tươi để sẵn sàng đền cái hợp đồng đào tạo và đổi lại là có được tiền tỉ cho riêng cá nhân em.

Ông Hùng là một ủy viên của VFF nhưng dưới góc độ của nhà quản lý đội bóng thì ông lại có những nỗi niềm, kể cả sự chỉ trích VFF: “Chi phí đào tạo cả trăm em để có một em nhưng VFF không nghĩ tới. Đền hợp đồng nhưng cầu thủ còn cười. Giữ người sao đây khi khoản tiền đền hợp đồng đào tạo quá nhỏ so với cục tiền tươi cầu thủ sắp nhận từ CLB mới. Nếu lãnh đội làm căng, làm cứng thì bị quy chụp là “xử theo luật rừng, theo lệ làng”. Có mấy ai thấu nỗi đau của người làm bóng đá trẻ. Long Giang mà đi được thì hết mùa số cầu thủ cùng lứa với Giang chắc chắn sẽ đòi đi. Cứ kiểu luật này của VFF có khi mùa tới chúng tôi không còn cầu thủ để đá dù từng đào tạo thành công tuyến trẻ vô địch U-21 và đóng góp nhiều tài năng cho quốc gia”.

Chúng tôi thẳng thắn đặt câu hỏi: “Ông từng là thường vụ VFF, ông là ủy viên VFF duy nhất có mặt trong sáu kỳ tồn tại của VFF, lại cũng nằm trong ban kiểm tra tư cách đại biểu đại hội nên hẳn là có uy tín, thế ông đã bao giờ làm hết trách nhiệm của mình khi góp ý về luật cho VFF để khuyến khích các địa phương chú trọng đào tạo trẻ và giữ cầu thủ trẻ hay không?”. Ông Hùng thành thật: “Đâu phải chờ đến giờ tôi mới than, mới nói. Từ ba, bốn năm trước, bản thân tôi và nhiều anh em cũng đề cập nhưng những người soạn thảo quy chế, điều lệ bóng đá chuyên nghiệp có chú tâm đến vấn đề cấp bách này đâu. Làm thế là chết phong trào...”.

Thật là nguy hiểm khi những người làm luật lại không thấu hiểu với hoàn cảnh khó nhọc của những người làm công tác đào tạo. Chả trách bóng đá Việt Nam các địa phương giờ quên lãng khâu đào tạo và thay vào đó là tìm nguồn, tìm tiền để đi bắt cầu thủ giỏi dựa vào kẽ hở của luật.

PHẠM THỌ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm