Doanh nghiệp điêu đứng vì nhà máy gạo bị ngăn chặn

Gửi đơn kêu cứu đến báo Pháp Luật TP.HCM, bà Hà Nguyễn Uyên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản dự trữ xuất khẩu Niềm Tin Việt (sau đây gọi tắt là Công ty, trụ sở ở 131 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM), cho biết gặp rất nhiều khó khăn vì tài sản của Công ty đang bị cơ quan công an ngăn chặn.

Tài sản của Công ty nhưng chưa thế chấp được

Theo hồ sơ, ngày 16-3-2020, hai thành viên của Công ty là bà Mã Tú Lệ và bà Mã Thu Khương đã ký chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Công ty cho ông Đỗ Thành Nhân với giá 45 tỉ đồng. Sau đó, ông Nhân có thỏa thuận bằng văn bản để cho bà Uyên và bà Trần Bích Ngọc đại diện phần vốn góp mà ông đã mua.

Ngày 18-3-2020, thủ tục chuyển nhượng nêu trên được hoàn tất, Sở KH&ĐT TP.HCM đã cập nhật đăng ký thay đổi lần thứ 14 trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty với hai thành viên góp vốn là hai bà Uyên, Ngọc.

Nhà máy xay xát và lau bóng gạo của Công ty Niềm Tin Việt tại xã Tân Quý Tây, TP Sa Đéc, Đồng Tháp. Ảnh: CTV

Theo hợp đồng, ngoài số tiền đặt cọc hơn 1 tỉ đồng trả cho phía bà Lệ thì phía bà Uyên sẽ thế chấp tài sản của Công ty là quyền sử dụng 9.961 m² đất và tài sản gắn liền là nhà máy xay xát và lau bóng gạo tại xã Tân Quý Tây, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) cho ngân hàng để vay 35 tỉ đồng. Trong số tiền này phía bà Uyên sẽ dùng 25 tỉ đồng để nhận nợ cho Công ty tại một ngân hàng khác trước thời điểm bà Uyên làm giám đốc. Thực tế phía bà Uyên đã thực hiện xong việc nhận nợ 25 tỉ đồng và đang phải trả lãi cho đến nay. Tuy nhiên, khi bà Uyên thực hiện thủ tục thế chấp thì phát hiện nhà máy đang bị vướng về pháp lý.

Cụ thể, tháng 2-2020, bà Lệ bị một phụ nữ khởi kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà máy gạo và được TAND TP Sa Đéc thụ lý. Đến tháng 7-2020, tòa này ra quyết định đình chỉ vụ án do nguyên đơn tự nguyện rút đơn. Tưởng chừng tài sản đã “sạch” để tiếp tục làm hồ sơ thế chấp thì tháng 9-2020, phía bà Uyên bị chựng lại do có đơn của bà Lệ, bà Khương gửi Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM tố giác ông Nhân, bà Uyên (PC02 đề nghị ngân hàng dừng hồ sơ giao dịch).

Tiếp đó, tháng 3-2021, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM lại đề nghị UBND xã và TP Sa Đéc ngăn chặn việc chuyển dịch, giữ nguyên hiện trạng nhà máy gạo và máy móc. Lý do là PC03 xác minh người phụ nữ từng khởi kiện bà Lệ như đã nêu trên, có đơn tố giác bà Lệ.

Đến đây thì phía bà Uyên rơi vào tình cảnh bế tắc, từ khi mua lại nhà máy, tiền đặt cọc, nhận nợ ngân hàng và đầu tư máy móc mới, Công ty đã phải bỏ ra nhiều tỉ đồng và đang phải trả lãi ngân hàng nhưng tài sản vẫn bị “treo”. 

Các bên liên quan nói gì?

Tìm hiểu rõ hơn sự việc ngày 25-5, Pháp Luật TP.HCM đã tìm gặp bà Mã Tú Lệ. Bà Lệ cho rằng bà chỉ ký hợp đồng chuyển nhượng góp vốn với ông Nhân, không chuyển nhượng cho bà Uyên, bà Ngọc. Từ đó bà tố cáo hành vi làm giả giấy tờ, để hoàn tất giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đứng tên bà Uyên, bà Ngọc và hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản do tự ý di dời máy móc ra khỏi nhà máy.

Riêng về nội dung bà Lệ bị người phụ nữ tố cáo tại Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM, bà Lệ cho biết đến nay đã được giải quyết xong. “Cơ quan công an đã mời đến làm việc và hai bên đã tự thỏa thuận được với nhau về vấn đề vay mượn, xác nhận số tiền nợ dưới sự chứng kiến của ĐTV, có nhân chứng ký tên, công việc ổn định xong thì tôi trả tiền cho bà H. (người tố cáo - PV) là xong” - bà Lệ nói.

 

Công an xác minh: Chưa biết bao giờ xong

Ngày 28-5, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ làm việc và được lãnh đạo PC02 Công an TP.HCM ủy quyền cho điều tra viên (ĐTV) Nguyễn Quốc Toàn (người trực tiếp giải quyết đơn bà Lệ tố cáo phía bà Uyên) trao đổi với PV.

ĐTV Toàn xác nhận đơn vị có tiếp nhận tin báo tố giác của bà Lệ với nội dung như trên vào tháng 9-2020. Theo ĐTV Toàn, việc mua bán nhà máy gạo giữa hai bên là ngay tình, đây là quan hệ mua bán dân sự thuần túy. Quá trình xác minh, ĐTV cũng đã mời các bên liên quan đến làm việc.

Theo hồ sơ, quá trình xác minh công an có tiến hành giám định chữ ký của bà Lệ trong các hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp cũng như một số tài liệu, văn bản có liên quan có bị thay trang, sửa chữa nội dung hay không.

Ngày 29-1, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM có kết luận giám định (KLGĐ). Trong thông báo KLGĐ ngày 1-3 của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho bà Lệ ghi rõ: Chữ ký mang tên bà Lệ trên mẫu cần giám định do cùng một người ký ra; nội dung trên hai hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp không bị tẩy xóa, in thêm, sửa chữa nội dung; không đủ kết luận tài liệu có thay trang hay không.

Từ KLGĐ trên, PV đặt câu hỏi tại sao cơ quan điều tra (CQĐT) không ra thông báo không khởi tố vụ án hình sự vì đơn tố giác được thụ lý từ tháng 9-2020, ĐTV Toàn trả lời: “Vụ việc đang được tạm đình chỉ xác minh do đang chờ một KLGĐ khác, còn thời hạn xác minh, điều tra thì chúng tôi thực hiện theo quy định tại BLTTHS”.

Về nội dung bà Lệ tố giác phía bà Uyên công nhiên chiếm đoạt tài sản, ĐTV Toàn cho biết sẽ có thông báo chính thức sau khi tiến hành xác minh, làm rõ. Việc bà Lệ bị người khác tố cáo thì ĐTV Toàn cho rằng không biết thông tin vì liên quan đến nội dung xác minh của PC03.

BLTTHS 2015 quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm khá rõ. Song trong vụ này, không biết đến bao giờ cơ quan công an mới có kết luận, giải tỏa tài sản bị ngăn chặn để người dân giao dịch, sản xuất, kinh doanh.

 

Ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp

Doanh nghiệp điêu đứng vì nhà máy gạo bị ngăn chặn ảnh 2
 

BLTTHS quy định cụ thể thời hạn giải quyết tố giác tại Điều 147 BLTTHS là không quá 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Tuy nhiên, nếu tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác (Điều 148) để chờ kết quả trưng cầu giám định khi thời hạn giải quyết tố giác đã hết thì luật lại không quy định thời hạn tạm đình chỉ là bao lâu.

Giả sử việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác để chờ kết quả trưng cầu giám định thì thời hạn giám định theo Điều 208 BLTTHS chỉ được quy định đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Tạm đình chỉ giải quyết tố giác không có thời hạn. Việc giám định chữ ký, chữ viết nếu CQĐT thấy cần thiết phải trưng cầu luật cũng không quy định thời hạn. Do vậy, theo tôi, nếu chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án mà CQĐT lại đề nghị ngăn chặn các giao dịch dân sự sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự, BLTTHS cũng không có quy định cụ thể nào cho phép cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị các cơ quan khác áp dụng các biện pháp ngăn chặn các giao dịch dân sự hoặc buộc tổ chức, cá nhân phải giữ nguyên hiện trạng tài sản. Vì thế, để đảm bảo việc thu thập chứng cứ, ngăn ngừa hậu quả của tội phạm đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thì CQĐT chỉ nên đề nghị việc giao dịch phải có sự giám sát chặt chẽ của CQĐT. Việc giám sát này là giải pháp mà thực tiễn tố tụng đã từng áp dụng để giải quyết tố giác trong nhiều vụ án kinh tế ở giai đoạn khởi tố.

TS LÊ NGUYÊN THANH, Trưởng bộ môn Tội phạm học Trường ĐH Luật TP.HCM

 Giao dịch dân sự thuần túy

Doanh nghiệp điêu đứng vì nhà máy gạo bị ngăn chặn ảnh 3
 

Theo tôi, thông báo KLGĐ ngày 1-3 xác định rõ ba nội dung như trên thì không thể sử dụng làm căn cứ cho rằng cóhành vi làmgiảgiấy tờ, tức hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên chỉ là giao dịch dân sự thuần túy.

Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (gọi tắt là tố giác) theo Điều 147 BLTTHS là không quá 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Trong thời hạn này, CQĐT phải kiểm tra, xác minh và ra quyết định: Khởi tố, không khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác. Thời hạn tối đa (tính cả gia hạn) để giải quyết tố giác là không quá bốn tháng. Đối chiếu với thời gian mà PC02 đã tiếp nhận tố giác từ bà Lệ (tháng 9-2020) thì vụ việc đáng lý ra đã phải kết thúc.

Ngoài ra, cơ quan công an không có quyền gửi văn bản đề nghị ngăn chặn việc thế chấp tài sản vào ngân hàng mà chỉ có thể áp dụng hai biện pháp là kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản. Bởi biện pháp ngăn chặn chỉ có thể áp dụng khi đã khởi tố vụ án và cũng chỉ đối với một số tội phạm nhất định.

ThS CAO NGỌC SƠN, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm