Tông chết 1 người, bị thương 1: Không được hưởng án treo

Mới đây, xử phúc thẩm TAND TP.HCM đã bác kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Đỗ Thanh Hiển (sinh năm 1998) bị truy tố về vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Theo hồ sơ, 5 giờ 30 ngày 15-6-2019, tại giao lộ Hoàng Văn Thụ và Phạm Văn Hai (phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM) xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Xe mô tô do Hiển điều khiển lưu thông đến địa điểm này đã tông vào hai phụ nữ đang đi qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ từ công viên Hoàng Văn Thụ qua đường Phạm Văn Hai.

Sau khi tai nạn xảy ra, một người đi cấp cứu nhưng sau đó đã chết. Người còn lại nhập viện điều trị vết thương sau đó xuất viện.

Ảnh minh hoạ

Quá trình điều tra và tại tòa, Hiển khai là sinh viên trường Cao đẳng, có làm thêm tại công ty Shopee (quận 7, TP.HCM). Sáng đó, Hiển điều khiển xe máy từ nhà trọ quận 12 đến quận 7 làm việc. Khi đang điều khiển xe, Hiển ngủ gục do tối hôm trước ngủ muộn.

Khi giật mình tỉnh dậy, Hiển phát hiện phía trước khoảng cách 1 m có hai phụ nữ đang đi bộ qua đường. Do bất ngờ không xử lý kịp nên Hiển đã đâm xe trực diện vào hai người này. Tai nạn xảy ra, Hiển đã gọi điện thoại báo cho anh mình biết và đưa nạn nhân đi cấo cứu.

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình tuyên phạt Hiển một năm sáu tháng tù. Tuy nhiên, tòa quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung với người phạm tội về việc cấm điều khiển xe máy 1-5 năm do bị cáo là lao động chính trong nhà, công việc đòi hỏi phải có phương tiện đi lại.

Sau đó, bị cáo này kháng cáo xin hưởng án treo để tiếp tục phụ giúp gia đình và không dở dang việc học.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS nhận định bị cáo gây tai nạn lỗi toàn phần làm một người chết, một người bị thương nên mức án đã tuyên là phù hợp.

Về kháng cáo xin hưởng án treo, VKS cho rằng bị cáo chưa có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu, có hai tình tiết giảm nhẹ theo luật định, hiện là sinh viên, lao động chính trong gia đình. Bị cáo không thuộc trường hợp cấm cho hưởng án treo theo quy định của Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm cho bị cáo hưởng án treo.

Luật sư tiếp lời cho rằng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện học đại học nhưng với quyết tâm ăn học giúp gia đình, phục vụ xã hội, bị cáo ghi danh vào học nghề tại trường cao đẳng. Do vừa học, vừa làm để kiếm tiền đi học nên bị cáo bị áp lực rất nhiều.
Đêm trước ngày xảy ra tai nạn, bị cáo phải thức khuya học bài và sáng phải dậy sớm tranh thủ đi làm cho đúng giờ nên ngủ gục trong khi điều khiển xe mà gây ra tai nạn.
Sau khi sự cố xảy ra, bị cáo cùng gia đình đã cố gắng hết sức để khắc phục hậu quả một cách tốt nhất. Hành vi đó đã làm xúc động thành viên gia đình các bị hại nên họ đã đồng cảm cùng làm đơn bãi nại, làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Án tù giam là hình phạt quá nặng, là một thiệt thòi lớn cho bị cáo. Nếu bị cáo chấp hành hình phạt tù giam, ước ao có được một nghề chân chính không thành do học tập bị gián đoạn. Bị cáo dễ mất niềm tin, tinh thần suy sụp, không tiếp tục học được nữa. Tương lai rất mù mịt, không có lối thoát...
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã bác kháng vì cho rằng quyết định án sơ thẩm là phù hợp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm