Báo cáo: Mỹ nên cho Úc tiếp cận các hoạt động ở Philippines, Singapore, Guam

Tờ South China Morning Post dẫn một báo cáo mới đây cho rằng các lực lượng quân sự của Úc và Mỹ nên tích hợp hơn nữa theo “chiến lược răn đe tập thể”, theo đó cho phép Canberra tiếp cận các hoạt động của Mỹ ở Philippines, Singapore và Guam.

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ có trụ sở tại Sydney, Mỹ và Úc nên xem xét "các thỏa thuận tiếp cận kết hợp" mới trong nỗ lực nhằm tăng cường "khả năng răn đe tổng hợp" nhằm đối phó sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Báo cáo: Mỹ nên cho Úc tiếp cận các hoạt động ở Philippines, Singapore, Guam. Ảnh: AP

“Việc Úc tiếp cận nhiều hơn các địa điểm hoạt động của Mỹ ở Guam, Philippines và Singapore có thể làm tăng đáng kể dấu ấn chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Úc” – bà Jane Hardy, cựu quan chức tổng lãnh sự Úc tại Honolulu, nhận xét.

Theo báo cáo, Washington vận hành một số cơ sở quân sự lớn trên đảo Guam và có quyền tiếp cận các cơ sở ở Singapore và Philippines theo các hiệp ước an ninh.

Washington cũng nên cho phép Canberra tham gia vào giai đoạn đầu của kế hoạch quân sự, bao gồm các kịch bản dự phòng liên quan "chiến thuật vùng xám hoặc việc Trung Quốc sử dụng vũ lực hạn chế", theo báo cáo.

“Răn đe tổng hợp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Thúc đẩy Liên minh Úc-Mỹ” cũng liên quan sự hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia khác khó chịu trước các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở các vùng biển khu vực, bằng cách chuyển sang "lập kế hoạch và điều phối việc di chuyển của tàu chiến một cách rõ ràng hơn để có tác dụng răn đe chung”, báo cáo nêu thêm.

Báo cáo viết: “Lực lượng tuần duyên Mỹ và Lực lượng Biên phòng Úc nên cùng thảo luận để xác định các phương thức lý tưởng cho các hoạt động hiện diện hàng hải kết hợp”.

Trước đó, Mỹ, Anh, Úc đã công bố thiết lập quan hệ an ninh ba bên AUKUS, theo đó sẽ hỗ trợ Canberra xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Động thái này đã vấp phải nhiều phản ứng khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực.

Nhật và Philippines hoan nghênh AUKUS, trong khi Indonesia và Malaysia đưa ra lo ngại về viễn cảnh một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Ấn Độ không công khai lập trường, song nhấn mạnh rằng AUKUS không liên quan đối thoại an ninh “Bộ tứ” giữa nước này với Mỹ, Úc và Nhật.

Ông James Goldrick - cựu đô đốc thuộc Hải quân Hoàng gia Úc - cho rằng các kế hoạch thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực cần phải “quan tâm đúng mức đến mối quan tâm của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm